Ngành điều Đắk Nông từ thế mạnh một thời đến đòi hỏi phải tái cơ cấu

Từng một thời hoàng kim, tạo ra đóng góp đáng kể cho kinh tế chung của địa phương, ngành điều Đắk Nông hiện đang đứng trước đòi hỏi phải tái cơ cấu để có thể tiếp tục tồn tại và phát triển.

Trước tác động của biến đổi khí hậu và yêu cầu sản xuất bền vững, cây điều ở Đắk Nông đang dần mất vị thế. Để khôi phục giá trị của loại nông sản, tỉnh đang nỗ lực tái cơ cấu theo hướng hiện đại, tập trung vào chế biến sâu và xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, từng bước đưa cây điều trở lại vai trò chủ lực trong nền kinh tế địa phương.

Ông Bùi Văn Chí - Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ru (huyện Đắk R’lấp) cho biết, từng có thời kỳ, Đắk Ru là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh Đắk Nông về diện tích điều. Giai đoạn cao điểm trước năm 2015, toàn xã có khoảng 3.000 ha điều, nhờ điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp. Cây điều từng là trụ cột kinh tế, gắn bó mật thiết với đời sống người dân nơi đây.

dien-tich-dieu-cua-dak-ru-huyen-dak-rlap-hien-con-khoang-1600ha-1747334653.jpg
Diện tích điều của Đắk Ru, huyện Đắk R'lấp hiện còn khoảng 1.600ha

Thế nhưng, khoảng 5 năm trở lại đây, cây điều ở Đắk Ru dần đánh mất vị thế chủ lực. Dù nhiều hộ dân vẫn muốn gắn bó, nhưng trước tác động khắc nghiệt của thời tiết, những vụ mùa thất bát liên tiếp đã khiến họ buộc phải chặt bỏ điều để chuyển sang các loại cây trồng khác. Đến nay, diện tích điều của xã chỉ còn khoảng 1.600 ha. Theo ông Chí, một trong nguyên nhân quan trọng khiến cây điều suy giảm là địa phương chưa xây dựng được chuỗi ngành hàng bền vững để có thể đủ sức hỗ trợ người trồng trước những biến động ngày càng lớn của thị trường và khí hậu.

Tại xã Đắk Ru, dù có doanh nghiệp thu mua hạt điều, nhưng hoạt động này vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào giá cả thị trường. Giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn còn thiếu sự gắn kết chặt chẽ để phát triển bền vững cây điều. Mặt khác, nông dân chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, trong khi năng suất và sản lượng điều ngày càng giảm, khiến tiềm năng của cây trồng này tiếp tục suy yếu.

nguoi-trong-dieu-o-xa-dak-ru-nhung-nam-gan-day-chiu-anh-huong-nang-ne-cua-bien-doi-khi-hau-lam-giam-nang-suat-chat-luong-san-pham-1747334613.jpg
Người trồng điều ở xã Đắk Ru những năm gần đây chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm

Đắk Nông hiện có 16.800 ha điều, với sản lượng năm 2024 đạt khoảng 72.000 tấn. Tuy nhiên, toàn tỉnh mới chỉ hình thành được một chuỗi liên kết duy nhất, quy tụ khoảng 100 hộ trên diện tích 4.000 ha, sản lượng 6.000 tấn. Dù có 9 doanh nghiệp tham gia sơ chế, chế biến hạt điều, sản phẩm chủ lực vẫn là hạt điều rang, với sản lượng hơn 2.000 tấn mỗi năm, chỉ chiếm 10% tổng sản lượng toàn tỉnh - một con số còn khiêm tốn so với tiềm năng của địa phương.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức (huyện Đắk R’lấp), cho biết doanh nghiệp đang rất cần xây dựng chuỗi ngành hàng điều tại Đắk Nông. Mỗi năm, công ty thu mua khoảng 10.000 tấn hạt điều nguyên liệu cho chế biến, song nguồn cung trong tỉnh chỉ đáp ứng được 10%, tương đương 1.000 tấn.

dak-nong-dang-ra-suc-thuc-day-dau-tu-cay-dieu-theo-chuoi-nganh-hang-gan-voi-che-bien-sau-1747334522.jpg
Đắk Nông đang ra sức thúc đẩy đầu tư cây điều theo chuỗi ngành hàng gắn với chế biến sâu

Để chủ động nguồn nguyên liệu, công ty TNHH Hồng Đức đã triển khai thí điểm mô hình liên kết với nông dân huyện Tuy Đức để phát triển vùng nguyên liệu điều. Tuy nhiên, muốn tạo được bước chuyển lớn, doanh nghiệp rất cần sự đồng hành mạnh mẽ hơn từ Nhà nước và giới khoa học, đặc biệt trong việc hỗ trợ giống và kỹ thuật chăm sóc cây điều.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông, ngành nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương, nhà khoa học tiến hành đánh giá toàn diện thực trạng phát triển cây điều, chuẩn bị tái cơ cấu theo hướng hiện đại và bền vững. Trước mắt, tỉnh đặt mục tiêu giữ ổn định 16.000 ha điều, tập trung quy hoạch vùng trồng tại các huyện Cư Jút, Krông Nô, Đắk R’lấp và Tuy Đức; đồng thời xây dựng chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, mở ra kỳ vọng hồi sinh cho loại cây trồng truyền thống này.

nhieu-doanh-nghiep-hoat-dong-che-bien-san-xuat-va-kinh-doanh-hat-dieu-da-gop-phan-thuc-day-kinh-te-xa-hoi-dak-nong-phat-trien-trong-nhung-nam-qua-1747334591.jpg
Nhiều doanh nghiệp hoạt động chế biến, sản xuất và kinh doanh hạt điều đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội Đắk Nông phát triển trong những năm qua

Tỉnh tích cực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nâng cao năng lực chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ hạt và quả điều. Đồng thời, tiến hành rà soát, hướng dẫn nông dân chuyển đổi giống mới năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp thổ nhưỡng như PN1, BP18, BP27, BP43, BP68, BP89, AB29, A05-08…, thay thế những diện tích điều đã bị thoái hóa.

Song song đó, Đắk Nông sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, chuyển giao và phát triển công nghệ chế biến, nhằm xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, từng bước đưa cây điều trở lại vị thế chủ lực trong nền kinh tế nông nghiệp địa phương.

Kiến Giang