Diễn đàn “Khu công nghiệp Việt Nam - 2022: Khơi thông làn sóng đầu tư mới”

Ngày 11/8, tại TP.HCM, Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức diễn đàn "Khu công nghiệp Việt Nam - 2022: Khơi thông làn sóng đầu tư mới".

Diễn đàn "Khu công nghiệp Việt Nam - 2022" có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố, các Hiệp hội doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

11-08-2022-khu-cong-nghiep-viet-nam-2022-khoi-thong-lan-song-dau-tu-moi-74ef3e61-details-1660294304.jpg
Các đại biểu tham gia trao đổi tại diễn đàn.

Diễn đàn trao đổi xoay quanh các vấn đề chủ yếu như: Khơi thông dòng vốn FDI chất lượng cao vào các KCN; những nhân tố có thể tạo nên một làn sóng mới?; những điểm mới của Nghị định 35/2022/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển KCN phụ trợ, KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao, KCN Sinh thái và KCN - đô thị - dịch vụ; khu công nghiệp chuyên ngành hấp dẫn doanh nghiệp ngoại; cơ hội đầu tư vào các KCN tại các tỉnh, thành phố; những KCN đang chào đón các dự án công nghiệp phụ trợ; vấn đề cung cấp lao động trong các KCN; chính sách hỗ trợ tuyển dụng đối với doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ…

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương cho biết: Những năm gần đây, trung bình hàng năm, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 70-80% tổng vốn đăng ký cả nước. Đồng thời, khu công nghiệp, khu kinh tế đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, hiện là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu như: Samsung, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn, VSIP…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách, tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam, nhất là việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực đổi mới công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.

bat-dong-san-cong-nghiep1-1660294304.jpeg
Diễn đàn là cơ hội để giới thiệu, quảng bá tiềm năng, cơ hội và chính sách thu hút đầu tư vào KCN của các tỉnh, thành phố (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế theo chiều rộng gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn trong khi năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao; chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội; duy trì lợi thế cạnh tranh của khu công nghiệp, khu kinh tế trong điều kiện các ưu đãi về thuế, đất đai đang có xu hướng giảm dần; liên kết và hợp tác sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt Nam còn hạn chế.

Chính vì vậy, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cần có chính sách để tận dụng được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nâng cao hiệu quả thu hút và hợp tác đầu tư nước ngoài theo Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị. Nghị quyết XIII của Đảng vừa qua đã thông qua định hướng và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2025, 2030 và 2045 với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 50%. Các định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong thời gian gần đây đặt ra yêu cầu về nâng cao hiệu quả phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế theo hướng phát triển bền vững và đổi mới mô hình phát triển, hiệu quả sử dụng đất.

Như vây, Nghi định 35 của Chính phủ là văn bản pháp lý toàn diện, đổi mới theo định hướng tăng trưởng xanh và kinh tế số. Vấn đề là thực thi nghiêm chỉnh để chuyển đổi nhanh chóng mô hình tăng trưởng KKT, KCN theo hướng xanh hóa sản xuất, quản lý nhà nước KKT, KCN theo hướng Chính phủ số.

Theo quan điểm của GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE): Yếu tố thời gian trong giai đoạn chuyển đổi số là nhân tố cực kỳ quan trọng nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội để KKT, KCN đóng góp quan trọng vào Chiến lược phát triển 2021- 2030 nhằm mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành cơ bản công nghiệp hóa với mô hình tăng trưởng hiệu quả cao hơn, chất lượng hơn và bền vững hơn, có GDP/người khoảng 12 000 USD/năm, người dân có đời sống vật chất sung túc, đời sống tinh thần và văn hóa tốt đẹp, môi trường sống lành mạnh…
Quốc Cường - Đình Văn