Đền An Biên: Nơi thờ Nữ tướng Quốc Lê Chân

Đền An Biên (Đền thờ Nữ tướng Quốc Lê Chân) là nơi tưởng nhớ một nữ danh tướng có tài trong thời kỳ Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân xâm lược phương Bắc. Đền An Biên tọa lạc trên sườn núi Vàn, Thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, Tỉnh Quảng Ninh.
1-1646816953.jpg
Đền An Biên nơi thờ Nữ tướng Quốc Lê Chân được xây dựng trên quê gốc của Bà (thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)

“ĐẤT ĐÔNG TRIỀU SINH LÊ NỮ TƯỚNG TRỊ GIẶC PHƯƠNG BẮC - NƯỚC AN BIÊN DƯỠNG ĐỨC THÁNH CHÂN TỎA SÁNG TRỜI NAM”.

Ông Lê Hồng Thắng - Phó Chủ tịch Hội đồng họ Lê (HĐHL) Việt Nam, Chủ tịch HĐHL tỉnh Quảng Ninh.

Đền thờ Nữ tướng Quốc Lê Chân được xây dựng ở quê gốc của Bà để tri ân người có công với dân, với nước và để đời đời con cháu noi theo tấm gương anh dũng bất khuất của thế hệ tiền nhân, tiên tổ đi trước. Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) là nơi thể hiện niềm tự hào của nhân dân thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) và con cháu hậu duệ Lê tộc Việt Nam về truyền thống chống giặc ngoại xâm ngay từ buổi đầu của cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Nữ tướng Quốc Lê Chân sinh ngày 8 tháng 3 năm 18 tại làng Vẻn, trang An Biên, thuộc huyện Khúc Dương, quận Giao Chỉ (Nay thuộc thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Cha là Lê Đạo làm nghề dạy học, mẹ là Trần Thị Châu làm ruộng. Cả hai ông bà đều là người giàu lòng nhân ái, khẳng khái và chính trực. Khi đã luống tuổi hai ông bà mới sinh được một người con gái đặt tên là Lê Chân. Lê Chân đã luôn được cha răn dạy lớn lên hãy làm việc nghĩa cho dân, cho nước. Vâng lời cha, Lê Chân vừa chăm lo học chữ vừa luyện tập cung đao. Năm 20 tuổi, tài võ nghệ và nhan sắc của Lê Chân đã nổi danh khắp vùng.

Sinh ra và lớn lên khi đất nước bị phong kiến phương Bắc xâm chiếm và đô hộ, cuộc sống của nhân dân lầm than cơ cực. Lê Chân vô cùng căm thù quân giặc. Khi trưởng thành Lê Chân bị Tô Định ép lấy là tỳ thiếp, nhưng cha mẹ Lê Chân không đồng ý. Tô Định tức tối đã tìm cách giết hại cha mẹ bà. “Thù nhà, nợ nước” đã giúp người con gái hiền thục của quê hương An Biên (Đông Triều) quyết tâm ra đi tìm cách trả nợ nước, trả thù nhà.

2-1646816953.jpg
Đền An Biên nơi thờ Nữ tướng Quốc Lê Chân được xây dựng trên quê gốc của Bà (thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)

Nợ nước thù nhà đè nặng hai vai, Lê Chân từ biệt quê hương ra đi tìm nơi náu mình và thực hiện chí lớn. Bà xuôi thuyền đi về phía biển đến vùng đất An Dương (thành phố Hải Phòng ngày nay), thấy đất đai màu mỡ, sông ngòi chằng chịt, lau sậy um tùm, địa thế hiểm trở rất thuận tiện cho việc làm ăn và lập căn cứ chống giặc. Bà liền cho người về quê cũ đón gia quyến và những người thân đến đây xây dựng trang ấp mới. Nhớ quê cũ bà đặt tên cho trang ấp mới là An Biên. Theo truyền thuyết kể lại, sau ba năm khai hoang lấn biển, bà đã lập được ngôi làng mới. Trong 10 năm bà ra sức tích lũy lương thực, luyện tập nghĩa binh, liên kết, thu nạp hào kiệt trong vùng, chờ thời cơ trả thù nhà, nợ nước.

Tại quê hương mới, bà đã khéo liên kết với các hào kiệt quanh vùng để tranh thủ lực lượng đồng minh, đó là anh em Lệnh Bá, Chính Trọng ở Quỳnh Cư (Hải An); ba anh em họ Trương gồm: Trương Lại, Trương Tế, Trương Độ ở Thiểm Khê (Thủy Nguyên); ba anh em họ Tạ gồm Tạ Huy Thân, Tạ Ả Ráng, Tạ Đam Dung (Trình Xuyên); Đào Quang (Cự Đôi, Tiên Lãng); Phạm Đầm (Lễ Hợp, Tâm Đa, Vĩnh Bảo). Được các nhà hào kiệt hết lòng ủng hộ, Lê Chân đã chỉ huy quân sỹ thường xuyên luyện tập cách hành quân sao cho gọn nhẹ, đánh địch bất ngờ và táo bạo. Bà là vị tướng có sở trường đánh thủy binh vì phần lớn quân sỹ của bà là trai tráng vùng ven biển Đông Bắc rất thạo việc sông nước.

Là nữ nhi hiền thục nhưng trước sự bạo ngược của quân thù, bà đã sớm tìm cho mình một con đường đúng đắn để giúp dân cứu nước. Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa Bà đã trực tiếp lên xứ Đoài tìm gặp hai nữ anh hùng và đưa đội quân của mình đi theo hai Bà. Đội quân do bà Lê Chân triệu tập đã nhanh chóng trở thành cánh quân chủ lực hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và lập căn cứ bên sông Cửa Cấm để đánh giặc.

4-1646816953.jpg
Đền An Biên nơi thờ Nữ tướng Quốc Lê Chân được xây dựng trên quê gốc của Bà (thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)

Được Hai Bà Trưng tin cậy, Nữ tướng Quốc Lê Chân đã luyện tập cho quân sỹ của mình trở thành đội quân hùng mạnh nhất tham gia đánh đuổi quân Đông Hán xâm lược. Từ Hải Phòng, Bà chỉ huy nghĩa quân vùng ven biển đánh lên phía Bắc và tụ nghĩa cùng đội quân của Hai Bà Trưng đánh giặc. Một trong những trận đánh tiêu biểu do Bà lãnh đạo là trận đánh trên đất Kinh Bắc (Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay). Trận đánh diễn ra bất ngờ làm quân địch không kịp trở tay, xác giặc ngổn ngang. Trước sức mạnh của nghĩa quân, bọn quan quân đô hộ hốt hoảng chạy như ong vỡ tổ. Thái thú Tô Định vứt cả ấn tín, cạo râu giả dạng thường dân chạy trốn về nước. 65 thành trì được giải phóng vào ngày 15 tháng Tám (Âm lịch) năm 40, đất nước được độc lập.

Sau chiến thắng, Bà Trưng Trắc được trăm họ suy tôn làm vua, xưng hiệu là Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh (vùng đất Ba Vì, Tam Đảo nay thuộc địa phận Phú Thọ, Vĩnh Phúc). Em gái Trưng Nhị được tấn phong là “Bình khôi công chúa”. Nữ tướng Lê Chân được tấn phong là “Thánh Chân công chúa” đứng sau vị trí của Trưng Nhị và đảm nhận trọng trách “Trưởng quản binh quyền”, thống lĩnh toàn bộ quân đội kiên trấn thủ vùng Hải Tần (tức vùng ven biển).

Trấn thủ miền Đông Bắc với trọng trách được giao, lại là người có uy tín và thành thạo địa hình, thông hiểu tập quán của dân chài vùng biển. Nữ tướng Lê Chân đã dốc sức tuần tra kiểm soát nghiêm ngặt thuyền bè ra vào. Một mặt bà chăm lo củng cố biên ải, mặt khác lo tổ chức xây dựng lực lượng, tuyển thêm dân binh, mở lò tập võ, mở sới luyện vật để luyện tập quân sĩ tại vùng Mai Động, chăm lo đời sống nhân dân, khuyến khích nghề nông. Bà luôn lấy đức để an dân, cố kết được mối đoàn kết trong dân nên được nhân dân yêu mến kính trọng. Nhân dân hăng hái lao động sản xuất, đất nước no ấm thanh bình, giữ vững được nền tự chủ vừa giành được. Nhưng cuộc sống êm đềm đó chỉ được ba năm thì quân thù lại kéo đến với lực lượng hùng hậu nhằm chiếm lại nước ta, hòng rửa nhục cho sự thua đau trước đó.

Mùa xuân năm 42, giặc đưa hai vạn quân, hai ngàn thuyền chiến tiến vào nước ta bằng hai đường thủy bộ do Mã Viện, một tên tướng hung ác thời Đông Hán cầm đầu. Được tin, Trưng Nữ Vương cùng các tướng sỹ đưa quân xuống Lãng Bạc (nay là Tiên Sơn, Bắc Ninh) đón đánh giặc. Nữ tướng Lê Chân cùng binh sỹ và nhân dân vùng An Dương dốc sức lấp suối ngăn sông chặn đánh thủy binh giặc. Lực lượng tuy ít nhưng tinh thần chiến đấu của quân ta vô cùng dũng cảm, sau nhiều trận chiến đấu anh dũng, gây cho địch nhiều thiệt hại nhưng thế giặc quá mạnh nên quân của Trưng Nữ Vương không giữ được Lãng Bạc nên phải lui về Cẩm Khê. Song do ý chí của quân sĩ giảm sút vì nghĩ rằng vua là đàn bà lại thấy quân giặc quá mạnh, sợ không đánh nổi bèn tan chạy. Hai bà thế cô đành phải nhảy xuống sông Đáy tự vẫn. Nước ta lại thuộc vào nhà Hán.

Riêng nữ tướng Lê Chân vô cùng đau xót và uất hận, bà đã đưa một đạo quân quyết phá vòng vây của giặc, chạy về lập căn cứ cố thủ ở vùng núi Lạt Sơn (nay là huyện Kim Bảng, tỉnh Nam Định) để tìm cách kháng chiến lâu dài. Tại đây, bà đã cho quân sỹ tăng gia sản xuất, tích cực luyện tập võ nghệ để chờ thời cơ tấn công giặc. Mã Viện biết bà là một nữ tướng thao lược, được lòng dân nếu để lâu sẽ không có lợi nên đã huy động toàn bộ lực lượng bao vây tiến đánh Lạt Sơn. Dưới sự chỉ huy của bà, quân sỹ chiến đấu rất quyết liệt nhưng lực lượng giữa ta và địch rất chênh lệnh, không thể kéo dài được lâu, bà đành phải cho quân sỹ luồn rừng thoát hiểm về quê làm ăn chờ ngày nổi dậy. Còn lại một mình bà đã tả xung hữu đột chiến đấu vô cùng dũng cảm với quân giặc. Nhưng trong cuộc chiến không cân sức này, một mình bà không thể vần xoay thế cuộc. Khi vòng vây của địch ngày càng khép chặt, bà đã gieo mình xuống chân núi tuẫn tiết và hy sinh anh dũng vào ngày 25 tháng 12 (âm lịch).

Bà mất đi nhưng ý chí và nghị lực của bà còn sống mãi trong lòng dân tộc. Để tưởng nhớ công đức và với lòng tiếc thương vô hạn người nữ tướng tài ba, nhân dân vùng Lạt Sơn đã an táng và lập đền thờ ở nơi bà hy sinh. Đồng thời, ở làng An Biên, nơi bà chiêu tập nhân dân lập ấp (nay thuộc thành phố Hải Phòng) và trang An Biên (quê hương bà, nay thuộc thị xã Đông Triều) đã lập Đền thờ để tưởng nhớ và phong bà làm thần.

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng in đậm dấu son trong sử sách, trong ký ức dân gian qua nhiều thế hệ. Các nữ tướng, nam thần của cuộc khởi nghĩa đều có đền thờ, được nhân dân đời đời khói hương tưởng kính. Nữ tướng, Thánh Chân công chúa, Chưởng quản binh quyền Lê Chân được nhiều địa phương thờ phụng, đó là: Đền An Biên (xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) quê hương nữ tướng; Đền Nghè (An Biên cổ miếu), Đình An Biên (phường An Biên), Đình Vẻn ngoài, (phường Trại Cau, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng) là nơi Bà khai hoang, lập nên trang ấp, xây dựng lực lượng và chặn đánh cuộc xâm lược của Mã Viện. Triều đại Hai Bà Trưng và các tướng sỹ tuy chỉ có ba năm ngắn ngủi nhưng ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần dũng cảm quật cường của Hai Bà Trưng và các tướng sỹ như nữ tướng Quốc Lê Chân còn lưu mãi đến ngày nay.

Di tích Đền An Biên, thị xã Đông Triều được xây dựng để thờ Nữ tướng Quốc Lê Chân, bởi vậy các ngày lễ của Đền đều gắn liền với ngày sinh, ngày mất và ngày chiến thắng của Bà. Mỗi năm di tích có ba ngày lễ lớn, gồm: Ngày mùng 8 tháng 2 (âm lịch) là ngày sinh của Bà, ngày 25 tháng 12 (âm lịch) là ngày mất của Bà, ngày 15 tháng 8 (âm lịch) là ngày thắng trận.

Ngày xưa, lễ hội được tổ chức công phu, có lễ rước thần và diễn lại công trạng hành binh đánh trận phá giặc của thần và của quân dân ta. Quan trọng nhất trong lễ hội là lễ tế thần, đây là cuộc diễu lễ, dâng lễ vật, đọc chúc văn tỏ ý kính trọng biết ơn thần, cầu xin thần ban tốt lành mới. Tế thần là sự giao cảm giữa người và thần, là hoạt động thiêng liêng nhất mở đầu lễ hội.

Nhưng một thời gian dài do điều kiện kinh tế khó khăn và chiến tranh tàn phá, Đền bị hư hỏng nên lễ hội Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) không được duy trì. Ngày nay, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương nên hàng năm vào những ngày này UBND xã Thủy An, thị xã Đông Triều đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm. Riêng ngày 8 tháng 2 (âm lịch), ngoài phần lễ được tổ chức rất trang nghiêm còn có phần hội với nhiều hoạt động vui chơi bổ ích và lý thú, đặc biệt còn có các hình thức múa võ và đánh vật… thể hiện được các hình thức tập luyện quân sỹ của Nữ tướng Quốc Lê Chân.

Ông Nguyễn Văn Ngoãn, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều, cho biết: “Vào ngày lễ hội nhân dân trong vùng và khách thập phương về Đền dâng hương tưởng niệm người nữ anh hùng đã góp phần dựng nên truyền thống bất khuất của dân tộc Việt Nam và cũng là một người con kiên trung của quê hương Đông Triều - Quảng Ninh. Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) còn là nơi thị xã Đông Triều thường xuyên tổ chức các ngày lễ báo công và phát động thi đua trong nhân dân toàn thị xã. Ngôi đền đã thực sự trở thành địa điểm giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc của địa phương”.

Lễ hội Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) được tổ chức hàng năm đã thực sự tạo ra một không gian văn hóa lành mạnh có tính giáo dục cao, là dịp gắn bó cộng đồng tạo nên sự đoàn kết thống nhất các thành viên trong xã hội và đặc biệt là tỏ rõ được lòng biết ơn của các thế hệ cháu con đối với người có công với đất nước.

Do đó, UBND Thị xã Đông Triều đã tiến hành lập Dự án bảo quản, tu bổ di tích lịch sử văn hóa Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân), xã Thủy An, thị xã Đông Triều và đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt (tháng 3/2016). Việc bảo quản, tu bổ Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) có ý nghĩa rất lớn nhằm tôn vinh người nữ tướng anh hùng đã có công với đất nước, vừa để giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí độc lập tự cường cho các thế hệ mai sau, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Dự án bảo quản, tu bổ di tích lịch sử văn hóa Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) có tổng mức đầu tư trên 46 tỷ đồng từ huy động xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác, diện tích lập dự án 24.603m2. Các hạng mục đầu tư bao gồm: Đền chính, Tượng nữ tướng Lê Chân, Nhà bia liệt sĩ, Bình phong, cổng chính đền, cổng phụ đền, Nhà Ban quản lý di tích, Nhà sắp lễ, Am hóa vàng, Nhà vệ sinh, Chòi nghỉ, Tường rào, Lan can đá, Bãi đỗ xe phía Đông Bắc, Sân Lễ hội, Bãi đỗ xe phía Tây Nam.

6-1646816953.jpg
Di tích Quốc gia Đền An Biên (Nơi thờ Nữ tướng Quốc Lê Chân) được xây dựng nhân kỷ niệm 2000 năm ngày sinh của Bà.

Dự án bảo quản, tu bổ di tích lịch sử văn hóa Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch tín nghưỡng và nhu cầu hành hương của nhân dân, góp phần giữ gìn, phát huy, giáo dục truyền thống của địa phương cho thế hệ mai sau; thu hút khách thập phương đến với Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân), góp phần quảng bá, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch tâm linh và du lịch thắng cảnh ở thị xã Đông Triều; hoàn thiện không gian kiến trúc cảnh quan về bảo tồn và phát huy giá trị di tích Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân), góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa du lịch của địa phương. Do vậy, sau khi di tích được xếp hạng cấp quốc gia, UBND Thị xã Đông Triều kiện toàn lại Ban quản lý gồm đầy đủ các thành phần và đại diện cho những người cao tuổi am hiểu về lịch sử địa phương để phát huy tốt nhất giá trị của di tích.

Ngày 9/3/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã có quyết định số 808/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Di tích lịch sử đền An Biên (xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) là di tích quốc gia.

Ông Lê Hồng Thắng - Phó Chủ tịch Hội đồng họ Lê (HĐHL) Việt Nam, Chủ tịch HĐHL tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ: “Với niềm tin tâm linh của người Việt “Thác là thể phách, còn là tinh anh” (người tài giỏi mất đi, tinh thần ấy trở thành thần thánh) nên nhân dân luôn coi các vị anh hùng dân tộc là các vị thần cứu tinh, giúp dân ta chiến thắng thiên tai địch họa để tạo ra một niềm tin vĩnh hằng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc vươn tới tương lai. Việc xây dựng đền thờ bà Nữ tướng Quốc Lê Chân là việc làm ý nghĩa để ghi nhớ những người có công với dân với nước và để đời đời con cháu noi theo tấm gương anh dũng bất khuất của thế hệ tiền nhân đi trước”.

“Sau khi bà qua đời, nhân dân đã lập đền thờ ở nơi bà đã sinh ra và lớn lên để tưởng nhớ người con quê hương đã có những đóng góp to lớn trong cuộc đấu tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc ta đầu công nguyên và thể hiện lòng tôn kính, nhớ ơn của các thế hệ sau này với người có công với nước. Đền An Biên (Đền Nữ tướng Lê Chân) là nơi giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước và truyền thống dân tộc trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước”, ông Lê Hồng Thắng, nhấn mạnh./.

Đạm Quang Lê