Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng QTIP (giai đoạn 1) do liên doanh các nhà đầu tư: Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (“VSIP JV”), Công ty Cổ phần Đô thị Amata Biên Hòa (Công ty thuộc Tập đoàn Amata của Thái Lan) và Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản. Dự án này có quy mô khoảng 500 ha được thực hiện tại thị trấn Diên Sanh, các xã Hải Trường, Hải Lâm, huyện Hải Lăng với tổng mức đầu tư 2.074 tỷ đồng. làm chủ đầu tư. Phạm vi diện tích dự án giai đoạn 1 là 96,1 ha.
Hiện nay, các thủ tục Chứng nhận đầu tư, thành lập khu công nghiệp, quy hoạch chi tiết, báo cáo đánh giá tác động môi trường, chuyển mục đích sử dụng rừng đã được hoàn thành.
Tổng diện tích đã ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng (GPMB) và người dân đã đồng thuận phương án bồi thường, hỗ trợ là 71,33/96,1 ha. Chủ đầu tư đã lập hồ sơ thuê đất (đợt 1) diện tích 37,9 ha nộp tại Sở Tài nguyên và Môi trường. UBND huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) cũng đã hoàn thành và ban hành phương án tổng thể sắp xếp, bố trí tái định cư; phương án tổng thể cải táng di dời lăng tẩm, mồ mả.
Phần diện tích còn lại 24,77 ha đang được Hội đồng GPMB huyện Hải Lăng phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Khó khăn, vướng mắc chủ yếu hiện nay liên quan đến loại đất và giá bồi thường cho 5,45 ha/17 hộ dân xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp và diện tích 7,41 ha/51 hộ dân thuộc khu vực Cồn Khoai, thuộc xã Hải Trường.
Đề xuất ý kiến tại buổi làm việc, đại diện nhà đầu tư đề nghị tỉnh Quảng Trị sớm hoàn thành việc GPMB cho toàn bộ dự án, muộn nhất trong tháng 6/2023. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân sớm di dời tài sản, mồ mả ra khỏi khu vực dự án để bàn giao mặt bằng thực hiện.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đã đề nghị tỉnh sớm cụ thể hóa chính sách hỗ trợ chi phí quản lý, vận hành, bảo trì hằng năm và chi phí đầu tư xây dựng (tối đa 3 tỉ đồng) đối với đường ngang có người gác xây dựng mới tại km 644+977 tuyến đường sắt Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh sớm để nhà đầu tư tiến hành gói thầu thiết kế, thi công đấu nối
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng đề xuất tỉnh Quảng Trị xem xét ghi nhận QTIP thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; xem xét kế hoạch thành lập Chi cục Hải quan ở huyện Hải Lăng để cung cấp dịch vụ hải quan và hỗ trợ thông quan cho các doanh nghiệp…
Phát biểu tại kết luận tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đăng Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, cho đến thời điểm này, các công việc chuẩn bị để triển khai dự án QTIP đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến công tác GPMB, di dời lăng tẩm, mồ mả cần phải được tập trung giải quyết, tháo gỡ, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/6/2023.
Đối với những hộ dân xây nhà ở trên đất nông nghiệp, không còn chỗ ở nào khác trên địa bàn và có nhu cầu giao đất, xây dựng nhà ở tại khu tái định cư, đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp xem xét, hỗ trợ thêm kinh phí để các hộ dân thuộc diện hộ nghèo xây dựng được nhà ở. Đồng thời, huyện Hải Lăng cần tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa để giúp những hộ dân khó khăn sớm ổn định cuộc sống.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu ngành chức năng hoàn thiện các thủ tục cho thuê đất, bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định; phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành nghiên cứu, xây dựng, bổ sung phương án quy hoạch QTIP vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét; đơn vị liên quan làm thủ tục để thực hiện công tác quản lý, vận hành đường ngang tại km 644+977 tuyến đường sắt Bắc – Nam.
Bên cạnh đó, đề nghị nhà đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương để hoàn thành các công việc còn lại, đặc biệt là kịp thời bố trí kinh phí để chi trả tiền bồi thường GPMB cho người dân sau khi hoàn thiện các thủ tục, góp phần đẩy nhanh tiến độ, sớm khởi công thực hiện dự án./.