Hợp tác năng lượng là một trong những nội hàm ưu tiên
Chiều 31/10, tại Thủ đô Doha, trong chương trình thăm chính thức Nhà nước Qatar, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Saad bin Sherida Al Kaabi, Quốc Vụ khanh phụ trách các vấn đề năng lượng Qatar, kiêm Giám đốc Điều hành Công ty QatarEnergy.
Tài nguyên chính của Qatar là khí đốt với trữ lượng hơn 25.000 tỉ m3, đứng thứ 3 thế giới; dầu mỏ với trữ lượng 25,24 tỉ thùng (đứng thứ 14 thế giới), sản lượng 1,53 triệu thùng/ngày. Đây là quốc gia xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới.
QatarEnergy là công ty dầu khí nhà nước của Qatar, chịu trách nhiệm quản lý tất cả các hoạt động dầu khí trong nước, là một trong những nhà sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng hàng đầu thế giới.
Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã có cuộc hội đàm, hội kiến thành công với Quốc vương, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Qatar với nhiều kết quả nổi bật. Hai bên nhất trí, ghi nhận những kết quả đáng khích lệ trong quan hệ song phương hơn 30 năm qua (1993-2024); thống nhất một số định hướng, biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác song phương trong thời gian tới; nhất trí đặt mục tiêu sớm nâng cấp quan hệ Việt Nam-Qatar lên tầm cao mới.
Trong đó, hợp tác năng lượng (gồm năng lượng truyền thống và năng lượng mới) là một trong những nội hàm ưu tiên, đây cũng là lĩnh vực thế mạnh của Qatar và Việt Nam có nhu cầu hợp tác.
Hai bên thống nhất cần đàm phán hiệp định về nội dung này, giao Bộ Công Thương Việt Nam và Quốc Vụ khanh phụ trách các vấn đề năng lượng Qatar trao đổi cụ thể các biện pháp tăng cường hợp tác.
Thủ tướng đề nghị Qatar hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, tăng cường và duy trì đều đặn cung ứng các sản phẩm năng lượng như dầu thô, khí đốt, hóa chất nhất là LNG để phục vụ bảo đảm cung ứng điện.
Thủ tướng đề nghị Quốc vụ khanh chỉ đạo và Công ty QatarEnergy tăng cường đầu tư, đẩy mạnh hợp tác dầu khí, năng lượng với các đối tác Việt Nam, đặc biệt với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để tăng cường khả năng tự chủ của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất điện khí; cũng như hợp tác triển khai các dự án thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, điện gió ngoài khơi, năng lượng mặt trời, hydrogen…
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang sửa đổi Luật Điện lực, các quy định liên quan theo hướng giảm can thiệp hành chính, tăng sự chủ động và quyền tự quyết của doanh nghiệp để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động, hợp tác của các nhà đầu tư nước ngoài với các đối tác trong nước.
Về phần mình, Quốc vụ khanh Saad bin Sherida Al Kaabi cảm ơn những thông tin rất toàn diện, rõ ràng mà Thủ tướng cung cấp; nhất trí cao và hoàn toàn ủng hộ với những đề nghị hợp tác của Thủ tướng; khẳng định đây là những lĩnh vực rất tiềm năng, nhất là điện khí, LNG và cho biết đang đàm phán với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về các dự án hợp tác.
Ông đánh giá Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu châu Á, kéo theo nhu cầu năng lượng tăng trưởng cao; bày tỏ ủng hộ việc đàm phán, ký kết văn kiện hợp tác với phía Việt Nam về năng lượng, khí đốt, đồng thời đề xuất đàm phán thỏa thuận về sản xuất, cung ứng phân đạm ure – một sản phẩm chế biến từ dầu khí.
Về các dự án năng lượng mới, Công ty sẵn sàng kết nối các doanh nghiệp hợp tác, đầu tư với các đối tác Việt Nam. Quốc vụ khanh cho biết sẽ tới Việt Nam để trao đổi, thúc đẩy về các dự án hợp tác cụ thể.
Quốc vụ khanh cũng nhất trí với quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính về hợp tác trong lĩnh vực này cần lâu dài, ổn định với lộ trình, bước đi phù hợp, "không bỏ lỡ cơ hội hợp tác". Thủ tướng đề nghị giá cả theo cơ chế thị trường, công khai, minh bạch và phù hợp với điều kiện Việt Nam là nước đang phát triển./.
Đề nghị các doanh nghiệp Qatar đầu tư vào Việt Nam với các dự án quy mô lớn
Cũng trong chiều 31/10, tại Thủ đô Doha, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp đoàn Hiệp hội doanh nghiệp Qatar do ông Sheikh Faisal bin Qassim Al Thani, Chủ tịch Hiệp hội, đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn Al Faisal Holding dẫn đầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp Qatar có thế mạnh, như dầu khí, năng lượng, nhất là năng lượng điện khí LNG, điện hạt nhân; chuyển đổi số, nhất là các ngành mới nổi, như cơ sở dữ liệu, hạ tầng viễn thông, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật, đổi mới sáng tạo; các dự án bất động sản, như hạ tầng khu công nghiệp; đô thị, nhà ở; thương mại, dịch vụ bán lẻ, du lịch; các dự án hạ tầng quy mô lớn, bao gồm đường bộ cao tốc, sân bay, bến cảng, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị…
Đề nghị các doanh nghiệp Qatar đầu tư vào Việt Nam với các dự án quy mô lớn, chuyển giao công nghiệ, đào tạo nguồn nhân lực, kết nối chuỗi cung ứng doanh nghiệp Việt Nam với nước ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đảm bảo tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp đến đầu tư tại Việt Nam; hoàn thiện kết cấu hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, hạ tầng xã hội… để các nhà đầu tư chi phí đầu vào, tăng tính cạnh tranh của hàng hoá.
Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế chính sách theo hướng minh bạch, thông thoáng; giảm thủ tục hành chính để giảm chi phí tuân thủ; đảm bảo kinh doanh bình đẳng trên tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ", "hài hoà lợi ích nhà nước, người dân, doanh nghiệp".
Việt Nam đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Đặc biệt, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Cung cấp danh sách các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư của Việt Nam tới cộng đồng doanh nghiệp Qatar, Thủ tướng Chính phủ cho biết, hai bên cần tổ chức diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Qatar có thể tại Việt Nam hoặc Qatar để kết nối doanh nghiệp hai nước; tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh; đàm phán để có nhưng dự án hợp tác, đầu tư cụ thể.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Qatar Sheikh Faisal bin Qassim Al Thani cho biết, qua khảo sát, nghiên cứu và qua sự trải nghiệm của một số doanh nghiệp tại Việt Nam, Qatar nhận thấy Việt Nam rất có tiềm năng hợp tác đầu tư.
Đặc biệt, với sự sự lắng nghe, hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía Chính phủ, các doanh nghiệp Qatar hoàn toàn có thể thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; đồng thời đưa hàng hoá Việt Nam nhiều hơn nữa vào thị trường Qatar.
Cảm ơn, nhất trí cao với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ; hoan nghênh sớm tổ chức diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Qatar, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Qatar cho biết, với đội ngũ doanh nghiệp hùng hậu, trên nhiều lĩnh vực, như năng lượng, chế biến chế tạo, nông nghiệp, du lịch… Hiệp hội sẽ ký kết với phía Việt Nam một thoả thuận hợp tác (MOU) để từng bước triển khai các ý kiến của Thủ tướng./.