Đắk Lắk:

Những “bông hoa” điển hình trong phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”

Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc.
ami-y-bon-cham-soc-vuon-cay-cua-gia-dinh-1709905921.jpg
Chị Amí Y Bon chăm sóc rẫy cà phê, vườn cây trái của gia đình. (Ảnh: An Nông)

Những tấm gương điển hình vượt khó

Chị Amí Y Bon (sinh năm 1968) ở buôn Tơng Liă (xã Ea Tar, huyện Cư M’gar). Sinh ra và lớn lên trong gia đình đông con nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Gia đình có rẫy cà phê nhỏ, trồng xen canh. Sau nhiều năm tích góp, vay mượn bà con, vợ chồng Amí Y Bon đã mở rộng diện tích canh tác được gần 02 ha, trồng cà phê và xen hồ tiêu. Nhờ chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ vào sản xuất, đầu tư, chăm sóc nên vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt, sản lượng cà phê trung bình hằng năm đạt khoảng 10 tấn nhân và 03 tấn hồ tiêu.

Tuy nhiên, nhận thấy vườn cà phê già cỗi (được trồng từ thập niên 80 của thế kỷ trước), năng suất giảm dần, hồ tiêu cũng mắc một số bệnh dẫn đến chết nhanh, chết chậm, nên năm 2014 vợ chồng Amí Y Bon đã mạnh dạn tái canh vườn cà phê theo hình thức cuốn chiếu, nhổ bỏ các trụ hồ tiêu bị chết và tiến hành trồng xen hơn 200 cây sầu riêng. Vừa trồng vừa học hỏi kỹ thuật - công nghệ trong việc chăm sóc, nên thời gian qua các loại cây trồng của gia đình Amí Y Bon đều sinh trưởng phát triển tốt, năng suất ổn định. Bình quân sản lượng sầu riêng hàng năm thu được thêm hơn 15 tấn quả. Cuộc sống dần khấm khá, khởi sắc.

Cùng hoàn cảnh, chị Vi Thị Ân (dân tộc Thái) trú tại buôn Thái, xã Ea Kuếh cũng đã mạnh dạn phát triển kinh tế bằng sản phẩm truyền thống của dân tộc mình với món đặc sản “Thịt gác bếp”. Ban đầu chị làm theo đơn đặt hàng của người tiêu dùng, chủ yếu là bà con hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp.

Do làm theo phương pháp truyền thống, số lượng đặt hàng còn thấp nên mỗi tháng chị chỉ làm từ 3-4 mẻ, mỗi mẻ giao động từ 20-30kg thịt tươi sẽ cho ra thành phẩm từ 5-6kg thịt. Giá bán đối với thịt lợn là 500.000đ/kg, thịt bò là 1.000.000đ/kg… Trừ hết chi phí chị có lãi từ 300-400.000đ/mẻ. Sau đó, nhờ công thức chế biến đặc sắc, cộng với việc mở rộng đối tượng phục vụ, chị đã tăng dần lượng sản xuất, bán cho nhiều khách hàng mới, từ đó thu nhập tăng lên đáng kể, đời sống gia đình được cải thiện rõ rệt.

chi-an-dang-che-bien-mon-thit-gac-bep-1709905921.jpg
Chị Ân rạng rỡ niềm vui khi chế biến món đặc sản “Thịt gác bếp”. (Ảnh: An Nông)

Món đặc sản thịt gác bếp, có thể chế biến được từ nhiều loại thịt khác nhau như thịt lợn, trâu, bò, cá,... nhưng thông dụng nhất vẫn là thịt lợn. “Đối với thịt lợn, để chế biến được thành phẩm chất lượng, ngon, ngọt thì mình phải chọn được thịt lợn tươi, ngon và mới được mổ vào lúc rạng sáng. Sau khi mua thit về thì tiến hành rửa sạch sẽ, để ráo nước rồi lọc bỏ hết phần thịt mỡ và cắt thành từng miếng vừa ăn.

Sau đó tiến hành ướp thịt lợn với nhiều gia vị như mắc khén, hạt dỗi, ớt và một số gia vị khác. Thời gian ướp để thịt gấm đều trong khoảng 30 phút đến một tiếng rồi sau đó ta dùng các que tre xiên thịt lại để trên bếp lò với nhiệt độ cao để hun thịt trong khoảng thời gian 1 ngày 1 đêm thì sẽ cho ra được thành phẩm. Khâu quan trọng nhất là phải canh lửa sao cho đều, không được quá to sẽ khiến miếng thịt khô, không giữ được hương vị đặc trưng còn nếu lửa nhỏ quá thì thịt sẽ lâu khô, mất nhiều thời gian” - Chị Ân chia sẻ bí kíp.

Đồng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Thanh Nga rời quê hương Quảng Nam vào thôn Đoàn Kết, xã Ea M'dróh lập nghiệp từ năm 1997. Năm 2004 chị lập gia đình và được gia đình cho 05 sào đất trồng cà phê và xen canh một số cây hoa màu khác. Năm 2008 gia đình chị mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện để mua 01 con bò và đầu tư vào chăm sóc vườn cà phê.

Chị Nga cho hay: “Ban đầu tuy gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn, nhưng vợ chồng không ngại vất vả, kiên trì vừa chăm sóc nương rẫy vừa chăn nuôi thêm bò, gà, vịt và thời gian rãnh rỗi thì đi làm thuê để kiếm thêm nguồn thu. Đồng thời, trong sinh hoạt hàng ngày vợ chồng đều tiết kiệm, tích góp nên đến năm 2013 đã mua thêm đất, mở rộng diện tích đất canh tác lên 2, 3 ha để tăng nguồn thu cho gia đình”.

“Quả ngọt” ban đầu từ nỗ lực học tập, lao động sáng tạo

Trải qua bao khó khăn, chị không ngừng nỗ lực xây dựng cuộc sống gia đình ngày càng ổn định với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm (sau khi trừ chi phí đầu tư). Cũng từ lao động sản xuất, vài năm gần đây gia đình chị có thu nhập ổn định hằng năm trên 200 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình đã xây được nhà ở khang trang, mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt và sản xuất, cũng như có đủ điều kiện nuôi 03 người con ăn học thành tài. Vừa qua gia đình chị tiếp tục đầu tư trồng hơn 100 cây sầu riêng xen trong vườn cà phê, hồ tiêu để tăng thêm thu nhập…

chi-nguyen-thi-thanh-nga-dang-cham-soc-dan-de-1709905921.jpg
Chị Nguyễn Thị Thanh Nga chăm sóc đàn dê nâng cao kinh tế gia đình. (Ảnh: An Nông)

Cũng nhờ sản phẩm làm ra chất lượng, thịt ngon ngọt, đảm bảo vệ sinh và giá thành phải chăng nên món thịt gác bếp của chị Ân đã được nhiều người biết đến và đơn đặt hàng cũng ngày càng tăng dần. Nhất là trong thời điểm 1 tháng gần đến Tết Nguyên đán, chị phải làm liên tục để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Không những thế, món “Thịt gác bếp” của chị Ân đã đạt được 2 giải thưởng tại Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, kinh doanh” của Phụ nữ Đắk Lắk năm 2023 do Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk tổ chức, gồm giải nhì Video Clip được bình chọn nhiều nhất và giải khuyến khích ý tưởng sáng tao. Hiện sản phẩm “Thịt gác bếp” của chị Vi Thị Ân được UBND xã Ea Kuếh lựa chọn để hướng dẫn các thủ tục, quy trình tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) cấp huyện.

Trở lại với Amí Y Bon, từ cần cù trong lao động sản xuất, tích cóp trong chi tiêu, đầu năm 2023, gia đình chị đã xây được ngôi nhà mới khang trang, rộng rãi trị giá hơn 500 triệu đồng, đồng thời mua sắm được nhiều vật dụng, phương tiện đắt tiền phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.

“Ban đầu gia đình chủ yếu làm lúa rẫy, sau đó chuyển qua trồng cà phê kết hợp nuôi thêm lợn và đi làm thuê làm mướn trang trải cuộc sống sinh hoạt, làm tất cả chỉ mong có đủ tiền cho con ăn học. Lúc trước gia đình đầu tư chăm sóc vườn cây hầu như đi mượn, sau khi thu hoạch thì trả nợ dần, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn và vất vả. Thế nhưng bây giờ thì đã khác…” – Về hoàn cảnh gia đình chị, lãnh đạo xã Ea Tar cho hay.

Amí Y Bon cũng bộc bạch: Từ lao động và tích cóp, đến nay cuộc sống gia đình đã dần ổn định, có thu nhập và tích lũy, mọi người ai cũng mừng. Gia đình cũng thường xuyên giáo dục, vận động con cái yên tâm lao động sản xuất, tiết kiệm, tích cóp trang trải cuộc sống, phải biết vươn lên phát triển đời sống kinh tế từ chính sức lao động của chính bản thân mình”.

Niềm vui nhân đôi khi vừa qua chính quyền địa phương, lãnh đạo huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk đã tuyên dương các chị - những “bông hoa” điển hình trong phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Sự ghi nhận này là tiền đề để ngày càng lan tỏa sâu rộng hơn tư tưởng tích cực lao động sáng tao, nỗ lực vượt khó vươn lên, nâng cao đời sống kinh tế gia đình trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn. Qua đó khích lệ và nhân rộng thêm nhiều tấm gương phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc trong thời đại mới./.

Bình Vương