Toạ đàm: “Đối thoại cùng những người phụ nữ truyền hứng” trong ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Viện Pháp tại Việt Nam sẽ tổ chức tọa đàm “Đối thoại cùng những người phụ nữ truyền cảm hứng” tại TP. Hồ Chí Minh.
1-1709802508.png
Toạ đàm: “Đối thoại cùng những người phụ nữ truyền hứng” diễn ra đúng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Tại buổi tọa đàm, công chúng sẽ được lắng nghe chia sẻ của các diễn giả về quá trình sự nghiệp cũng như sự gắn bó bền chặt của họ với cộng đồng Pháp ngữ.

Theo Ban Tổ chức, Toạ đàm có sự tham dự của các diễn giả gồm: Bà Mai Ngọc Hạnh - Nhà đầu tư, doanh nhân và chủ tịch French Tech Vietnam; PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương - Giám đốc điều hành Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup, nhà nghiên cứu Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, giảng viên Đại học Paris 7.

Tọa đàm được điều phối bởi bà Bùi Trân Phượng - Nhà sử học chuyên nghiên cứu về lịch sử phụ nữ Việt Nam, Giáo sư thỉnh giảng của Đơn vị nghiên cứu về Cộng đồng Pháp ngữ tại Collège de France.

Được biết, bà Phan Thị Hà Dương hiện là Phó Giáo sư công tác tại Viện Toán học (Học viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), bà đang là Phó Giám đốc Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu và Toán học do UNESCO bảo trợ, đồng thời bà là Giám đốc điều hành Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF dành cho nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.

2-1709802547.png
Diễn giả Phan Thị Hà Dương.

Năm 1999, bà nhận bằng tiến sĩ Toán-Tin tại Đại học Paris 7 và cùng năm đó, bà trúng tuyển vị trí Maitre de Conférences tại trường Đại học Paris 7. Năm 2017 bà bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học tại Đại học Paris 7. Bà đã có những đóng góp trong hợp tác nghiên cứu và đào tạo về toán học và tin học giữa Việt Nam và một số đại học của Pháp như ENS de Paris, ENS de Lyon, Paris 6, Paris 7, Univ. Aix - Marseille. Đồng thời, bà Mai Ngọc Hạnh hiện là một nhà đầu tư, doanh nhân và chủ tịch của French Tech Vietnam. Bà từng là CEO của Fram, một công ty đầu tư Thụy Điển đã được niêm yết có trụ sở tại Việt Nam, chuyên khởi tạo và hỗ trợ các startup trong lĩnh vực công nghệ. 

Vào tháng 2/2024, bà đã tuyên bố quyết định rời vị trí CEO tại Fram để bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh, bà bày tỏ niềm đam mê của mình đối với việc thành lập và phát triển các công ty có tác động xã hội mạnh mẽ. Bà đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền tự do lựa chọn dự án của mình với tư cách là một doanh nhân.

Sinh ra tại TP. Hồ Chí Minh, bà Mai Ngọc Hạnh hoàn thành việc học của mình ở đây trước khi rời Việt Nam để sang Pháp vào năm 18 tuổi. Ở Pháp, Bà theo học tại các grande école ở Paris. Bà có bằng Thạc sĩ kép về tài chính và kinh tế của Đại học Paris IX Dauphine. Bà đã làm việc hơn 15 năm trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân ở Pháp, trong đó có 10 năm làm Giám đốc đầu tư tại ngân hàng đầu tư công Bpifrance của Pháp.

Năm 2022, kết thúc cuộc khủng hoảng Covid-19, sau hơn 20 năm ở Pháp, Bà quyết định trở về quê hương để mở ra một chương mới trong cuộc đời bà. Mối quan hệ của bà với cộng đồng Pháp ngữ bắt đầu từ năm 18 tuổi, do gia đình bà và chị gái sống ở Pháp khởi xướng. Ngày nay, với 2 nền văn hóa Pháp-Việt, bà mong muốn được góp phần tăng cường mối liên kết giữa hai đất nước của mình. Việc trở thành Chủ tịch French Tech Việt Nam là một trong những minh chứng cho mong muốn này.

3-1709802588.png
Diễn giả Mai Ngọc Hạnh.

French Tech, do chính phủ Pháp đề ra vào năm 2013, đề cập đến hệ sinh thái các công ty khởi nghiệp Pháp trong lĩnh vực công nghệ và các sáng kiến nhằm hỗ trợ cho họ. French Tech tập hợp các cộng đồng doanh nhân, nhà đầu tư và các tác nhân đổi mới khác, phủ rộng trên toàn cầu khắp 5 châu lục, tạo thành một mạng lưới trao đổi và mở ra những cơ hội phong phú.

Bà Bùi Trân Phượng là Tiến sĩ lịch sử đương đại tại Đại học Lyon-Lumière (Pháp). Sau thời gian lãnh đạo Khoa Lịch sử trường Đại học Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh, bà về trường Hoa Sen từ ngày đầu trường được thành lập năm 1991 từ hợp tác Việt-Pháp. Bà từng là Hiệu trưởng trường Cao đẳng, rồi trường Đại học Hoa Sen.

4-1709802650.png
TS Lịch sử Bùi Trân Phượng - Người điều phối tạo đàm “Đối thoại cùng những người phụ nữ truyền hứng”.

Từ đầu 2018, bà khởi xướng Chương trình cùng giáo viên thay đổi và cùng phụ huynh thay đổi, TEACH (Transform the Educative Aims by Change), hỗ trợ giáo viên và phụ huynh học sinh các trường phổ thông trong cả nước. Cũng từ 2018, bà giảng dạy môn Xã hội học về giới trong chương trình Cao học xã hội học của Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh và tham gia phát triển trường Đại học Thái Bình Dương ở Nha Trang với cương vị thành viên Hội đồng Trường.

Là giáo sư thỉnh giảng trong chương trình Thế giới Pháp ngữ của Collège de France, bà đang nghiên cứu về tính đa bản sắc và căn cước mở của Việt Nam vào đầu thế kỷ XXI./.

Đạm Quang Lê