Đắk Lắk đẩy mạnh hợp tác, phát triển kinh tế với TP. Hồ Chí Minh

Đối với tỉnh Đắk Lắk - Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất hợp tác song phương trong phát triển năng lượng tái tạo; công nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê; phát triển các trung tâm dịch vụ thương mại, trung chuyển hàng hóa; phát triển du lịch.
1-1714649710.jpg
Ông Nguyễn Thiên Văn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên năm 2024.

Đắk Lắk là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, quốc phòng - an ninh đối với vùng và cả nước; có diện tích tự nhiên là 13.070,41km2 (đứng thứ 4 cả nước), trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp cao nhất toàn quốc (657.728ha). Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Xác định mục tiêu hợp tác của tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên

Vùng Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh trực thuộc Trung ương, là vùng có diện tích lớn thứ ba Việt Nam, quy mô dân số chiếm 6,1% dân số cả nước, có địa hình lãnh thổ đa phần là đồi núi, cao nguyên chia cắt bởi núi cao và sông, suối lớn, các cao nguyên chiếm khoảng 36,5% diện tích, diện tích đất rừng lớn (chiếm 21% diện tích đất rừng cả nước) và có tính đa dạng sinh học rất cao, là vùng giàu tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở kết quả tổng kết 11 năm thực hiện chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên, thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh các vùng kinh tế trong cả nước; với mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế của các bên, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và khu vực; ngày 29/12/2022, Lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Lãnh đạo UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên đã thống nhất ký kết Bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2025.

2-1714649751.jpg
Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên năm 2024 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh là cơ hội để tỉnh Đắk Lắk quảng bá tiềm năng, thế mạnh, thu hút các nguồn vốn đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Thiên Văn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Trọng tâm hợp tác tập trung vào các lĩnh vực như du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; y tế, giáo dục, nông nghiệp. Đối với tỉnh Đắk Lắk - Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất hợp tác song phương trong phát triển năng lượng tái tạo; công nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê; phát triển các trung tâm dịch vụ thương mại, trung chuyển hàng hóa; phát triển du lịch”.

“Triển khai bản thỏa thuận hợp tác chung cũng như kế hoạch hợp tác năm 2023 đã được các tỉnh thống nhất tại tỉnh Đắk Nông vào tháng 8/2023, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai từng nội dung cụ thể, chủ động phối hợp với các đơn vị của Thành phố Hồ Chí Minh để triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác theo kế hoạch chung đã đề ra. Tỉnh đã thành lập Tổ công tác do Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà làm Tổ trưởng, thành viên bao gồm các Giám đốc, Phó Giám đốc các Sở, ngành liên quan; đồng thời, thành lập Tổ giúp việc để chủ động kết nối, phối hợp triển khai kịp thời các công việc chung theo kế hoạch”, ông Nguyễn Thiên Văn cho biết thêm.

Các Sở, ngành trong tỉnh đã chủ động chủ trì, triển khai nhiều nội dung theo kế hoạch như: Tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình về phát triển giống, công nghệ sinh học, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ngày 22/12/2023), tổ chức hội nghị giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch Đắk Lắk đến Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 27/8/2023). Đồng thời, tích cực tham gia các sự kiện do thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên tổ chức như: Tuần lễ Occop tại Thành phố Hồ Chí Minh; Lễ hội cồng chiêng tại Gia Lai, Hội thảo kết nối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh Lâm Đồng, Hội nghị kết nối cung cầu tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Mặc dù thời gian triển khai thực hiện khá ngắn (thỏa thuận ký kết tháng 9/2023), dẫn đến việc triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023 còn một số hạn chế, tuy nhiên, việc triển khai Bản thỏa thuận hợp tác nói chung và kế hoạch hợp tác năm 2023 nói riêng bước đầu đã đặt nền móng tích cực cho việc mở rộng quan hệ hợp tác, đầu tư giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Đây sẽ là cầu nối để các doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chú Minh và các tỉnh Tây Nguyên chủ động khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Đắk Lăk trong bối cảnh mới.

Tăng cường hợp tác, phát triển kinh tế với Thành phố Hồ Chí Minh

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có trên 30 chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đặt trụ sở tại tỉnh; trên 50 dự án đầu tư do các nhà đầu tư đến từ Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai thực hiện với tổng vốn đăng ký trên 33.500 tỷ đồng thuộc các lĩnh vực năng lượng tái tạo (phát triển điện gió, điện mặt trời), sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, thương mại dịch vụ, giáo dục, cải tạo và phát triển rừng.

Điển hình có các dự án đầu tư có quy mô, tổng vốn đầu tư lớn như: Nhà máy điện gió Ea Nam (tổng vốn khoảng 16.500 tỷ); Trung tâm MM Mega Market (tổng vốn 300 tỷ); Trung tâm Thương mại điện máy Nguyễn Kim (tổng vốn 300 tỷ). Ngoài ra, còn có nhiều nhà đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh khác đang trong giai đoạn tìm hiểu đầu tư tại Đăk Lắk như: Công ty Cổ phần dệt may Liên Phương - lĩnh vực dệt may công nghiệp; Công ty Cổ phần Lotte Việt Nam - lĩnh vực trung tâm thương mại; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Sol - đầu tư khu đô thị; Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xuất nhập khẩu Chánh Thu - đầu tư nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu.

“Về định hướng triển khai kế hoạch năm 2024, tỉnh Đắk Lắk thống nhất cao với dự thảo kế hoạch hợp tác năm 2024 do UBND Thành phố Hồ Chí Minh dự thảo, các nội dung này đã được lấy ý kiến các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đắk Lắk”, ông Nguyễn Thiên Văn chia sẻ.

“Theo kế hoạch đã ban hành, trước mắt trong năm 2024-2025, tỉnh Đắk Lắk sẽ chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp triển khai tốt các lĩnh vực hợp tác trọng tâm theo bản thỏa thuận đã ký, tập trung phối hợp hoàn thành 5 nội dung hợp tác song phương giữa hai địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh kết nối, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu, đầu tư vào địa phương góp phần hoàn thành hoàn thành những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực Tây Nguyên và cả nước”, ông Nguyễn Thiên Văn chia sẻ.

3-1714649848.jpg
4-1714649869.jpg
Cùng với thế mạnh trồng cà phê và các loài cây công nghiệp khác, những năm gần đây sầu riêng là cây trồng mở ra cơ hội phát triển mới cho tỉnh Đắk Lắk với giá trị kinh tế rất cao.

Trong năm 2024, tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức nhiều chương trình kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh Đắk Lắk, tiêu biểu như: Các hoạt động kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), điển hình là Lễ hội hóa trang với chủ đề “Đắk Lắk, Năng động - Sáng tạo - Hội nhập”, Hội chợ triển lãm thương mại chất lượng cao và giới thiệu sản phẩm OCOP, Chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa, Lễ hội Sầu riêng tại huyện Krông Pắc diễn ra ngày 31/8 đến ngày 2/9/2024.

Cuối năm 2023 vừa qua, cùng với các địa phương trong khu vực Tây Nguyên, quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là căn cứ pháp lý, là công cụ quan trọng giúp tỉnh khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, thu hút các nguồn lực đầu tư để tiếp tục phát triển bền vững và bứt phá trong thời gian tới.

“Đồng thời, tỉnh Đắk Lắk mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành trong cả nước, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học và đặc biệt là sự đồng hành, chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; trong đó, tỉnh Đắk Lắk mong muốn được hợp tác, kết nối, chia sẻ với các tỉnh Tây Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh để tạo ra được một hệ thống giá trị mang tính kết nối, chuỗi liên kết tương thông, tương đồng để cùng nhau phát triển. Tỉnh cam kết sẽ cùng đồng hành, nỗ lực tối đa trong hiện thực hóa các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra”, ông Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh./.

Đạm Quang Lê