Đặc điểm và các bài thuốc chữa bệnh từ cây Xuyên tiêu

Cây Xuyên tiêu nổi tiếng với người dân Trung Hoa bởi đây là một loại gia vị ấm nóng, cay nồng rất phổ biến. Không những thế, xuyên tiêu còn được dùng để chữa các chứng bệnh do lạnh gây ra.
cay-xuyen-tieu2-1639872940.jpg
Tên khác: Hoàng lực, Hoa tiêu, xuyên tiêu, Sưng, Trưng, Sâng, Lưỡng diện châm Hạt sẻn, Mác khén…; Tên khoa học: Zanthoxylum simulans Hance; Họ: Rulanceae (họ cam quýt).

Đặc điểm hình dáng cây thuốc

Cây xuyên tiêu có thân nhỏ, mọc thành từng bụi cao khoảng 1-2m. Thân cây có màu hơi đen, nhánh có thể vươn xa tới 10m. Xung quanh có nhiều gai ngắn. Lá xuyên tiêu mọc so le có chiều dài 20cm. Hoa đơn tính, mọc từng chùm ở nách lá và có lông ngắn. Hoa có 4-5 cánh màu trắng và có mùi thơm. Quả sống có màu xanh, khi chín màu đỏ nhạt dễ tách ra. Mỗi quả có 1-5 hạt cứng, màu đen bóng. Mùa hoa thường bắt đầu vào khoảng tháng 3 - 4 và có quả nhiều nhất vào tháng 5, tháng 6.

Cây Xuyên tiêu mọc chủ yếu ở Trung Quốc. Hiện nay, cây đã được du nhập về Việt Nam và tìm thấy ở nhiều tỉnh miền núi như: Lào Cai, Lạng Sơn, Nghệ An, Hòa Bình, Vĩnh Phú, Hà Tĩnh, Đăk Lăk.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Bộ phận dùng để làm thuốc là vỏ quả. Rễ thu hái quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô. Quả hái khi còn xanh, phơi hoặc sấy khô, hoặc hái các chùm quả đã chín, đem phơi nắng đến thật khô, rồi tuốt lấy quả. Khi dùng sao qua, thấy thơm là được. Nên chọn quả nhỏ đã mở mắt, ở bên trong có hạt đen. Vỏ ngoài sắc nâu hồng, khô, thơm. Vỏ trong trắng ít thơm hơn. Quả chưa mở mắt thì không nên dùng.

Thành phần hóa học

Thành phần chủ yếu ở trong quả Xuyên tiêu là tinh dầu, khoảng 0,7 – 9% tùy loại cây và nơi mọc. Trong tinh dầu có limonen (44%), geranial (12,14%), neral (10,95%), linalol (6,84%).

Tác dụng của cây xuyên tiêu

Rễ cây xuyên tiêu có vị đắng, cay, tính hơi ấm; giúp khu phong hoạt lạc, tán ứ chỉ thống, giải độc tiêu thũng. Dùng chữa các bệnh như sốt, sốt rét, thấp khớp. Ngày 6 - 12g dạng sắc, ngâm rượu.

Quả của cây xuyên tiêu cũng có vị đắng, cay, mùi thơm, tính ấm; giúp tán hàn, trừ thấp, ôn trung, trục giun đũa (tẩy giun), trợ hỏa, kích thích tiêu hóa. Quả xuyên tiêu lúc còn xanh có thể được dùng làm thuốc thanh nhiệt, giảm đau, giải độc. Dùng chữa ho, nôn mửa, ỉa chảy, đau bụng, nhức răng, tê bại, thấp khớp, tẩy giun đũa. Hoặc có thể dùng ngoài giã nát bôi chữa rắn cắn. Ngày 3- 5g dạng sắc, bột.

Công dụng nổi bật của xuyên tiêu trong y học

Có tác dụng gây tê và giảm đau tại chỗ; Ức chế liên cầu khuẩn dung huyết, phế song cầu khuẩn, trực khuẩn lỵ, tụ cầu vàng, thương hàn và một số nấm ngoài da. Thuốc giết chết lãi đũa ở heo; Hạn chế chảy sữa: dùng nước sắc Ngô thù uống với đường đen làm cho sữa mẹ giảm hoặc mất hẳn trong 1 - 2 ngày sanh; Một liều nhỏ geraniol trong hoa tiêu có tác dụng lợi tiểu nhẹ.

Một số bài thuốc từ cây xuyên tiêu

Bài thuốc chữa liệt dương, tay chân mỏi lạnh

Mỗi loại 40g: Xuyên tiêu, Phụ tử, Tục đoạn, Nhục thung dung, Xà sàng tử. Lộc nhung 80g. Ngưu tất 60g. mỗi loại 12g: Quế tâm, Viễn chí. Tán tất cả thành bột, sau đó trộn với mật ong viên thành viên to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 30 viên với rượu ấm.

Chữa đau bụng do viêm đại tràng co thắt, nôn mửa do lạnh, cơn đau bụng do giun, cơn đau dạ dày

Xuyên tiêu 8g, Đẳng sâm 12g, Can khương 12g, Di đường 40g. Sắc bỏ bã, hòa tan Di đường, uống nóng.

Chữa người bị chứng lưỡi cứng nói lắp

Dùng Xuyên tiêu lấy bún sống bao làm viên, mỗi lần uống khoảng 10 viên. Dùng nước sôi nước giấm làm thang uống.

Bài thuốc trị đau dj dày do lạnh

Xuyên tiêu 4g, Khương bán hạ 10g, Phụ tử 10g (sắc trước). Tán bột mịn làm hoàn, mỗi lần uống 6g, ngày 2 lần.

Bài thuốc trị đau bụng, nôn nhiều từ Xuyên tiêu

Xuyên tiêu 5g, Hoàng liên 5g, Hoàng cầm 8g, Bạch thược 12g, Ô mai, Đảng sâm, Chỉ thực, Khương bán hạ đều 10g, Can khương 5g. Sắc uống.

Không chỉ đối với Trung Hoa và ngay cả trong các bài thuốc dân gian Việt Nam, xuyên tiêu luôn là một vị thuốc quý. Khi nấu ăn, người ta có thể dùng xuyên tiêu để làm gia vị bởi tính cay nóng của nóng sẽ giúp trị bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, dùng xuyên tiêu ở dạng chiết có thể gây dị ứng. Chỉ sau 10 phút, người bệnh có thể có các triệu chứng: mẩn ngứa, nôn mửa, thở nhanh và tăng huyết áp. Nên người bệnh cần cẩn trọng khi sử dụng. Nếu gặp các triệu chứng trên hãy uống nước đường ngay, sau khoảng 1 giờ sẽ giảm dần các triệu chứng này. Người bệnh nên hỏi kỹ ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng./.