Đà Nẵng - Khi người dân đi chợ không cần tiền mặt

Để thanh toán khi mua hàng ở chợ, người dân chỉ cần quét mã QR hoặc chuyển khoản mà không cần đưa tiền mặt, thuận tiện cho cả người bán và người mua.

An toàn, tiện lợi

Cùng gia đình vào Đà Nẵng du lịch, trước khi trở về Hà Nội, chị Nguyễn Thu Hương (SN 1987) ghé chợ Cồn (quận Hải Châu) mua quà cho người thân.

Sau khi chọn mua hàng xong, chị Hương chỉ cần quét mã QR là có thể thanh toán, không cần phải dùng tiền mặt.

“Với những người đi du lịch như chúng tôi, việc thanh toán không dùng tiền mặt thế này rất thuận tiện, đỡ mất công tiên rút tiền, an toàn, tiện lợi”, chị Hương chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Bích Vân (SN 1990, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đang mua hàng tại chợ Cồn cũng chia sẻ: “Việc thanh toán không dùng tiền mặt rất thuận tiện cho khách hàng, bởi hiện nay hầu như ai cũng có tài khoản ngân hàng và không phải lúc nào cũng có sẵn tiền trong ví”.

a1-1657941905.jpg
Người dân quét mã QR để thanh toán khi mua hàng tại chợ Cồn (TP. Đà Nẵng)

Theo chị Lê Thị Hoài Thu (tiểu thương bán bánh kẹo tại chợ Cồn), khách mua hàng tại ki-ốt của chị chủ yếu thanh toán bằng quét mã QR và chuyển khoản, trong đó phần lớn là khách du lịch.

“Việc thanh toán không dùng tiền mặt rất thuận tiện cho tiểu thương chúng tôi. Khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của tôi, tôi chuyển tiền để thanh toán tiền hàng mà không cần phải đưa tiền mặt đến tận nơi”, chị Thu nói.

Trước đó, đầu tháng 4/2022, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng đã phối hợp với các đơn vị ra mắt mô hình chợ 4.0 tại chợ Cồn, chợ Hàn và chợ Đống Đa.

Theo đó, chợ 4.0 là hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng tại các chợ Đà Nẵng. Chợ 4.0 cho phép người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại; hướng đến triển khai áp dụng cho các chợ còn lại trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Với mô hình chợ 4.0, tiểu thương và khách hàng có thể mua, bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã VietQR hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money.

Mới đây, UBND quận Hải Châu (TP.Đà Nẵng) cùng các đơn vị đã ra mắt tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt ở trục đường Nguyễn Văn Linh và Trần Văn Trứ.

Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện nhằm khuyến khích cơ sở kinh doanh, khách hàng, người dân làm quen với các phương thức thanh toán mới khi ăn uống, mua sắm.

Hai tuyến đường được lựa chọn thí điểm là khu vực kinh doanh sầm uất, đa dạng các lĩnh vực thực phẩm, hàng tiêu dùng, thời trang, điện tử, dịch vụ viễn thông…

Trong năm 2019, TP. Đà Nẵng cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi số, như tích hợp phương thức thanh toán cho Cổng dịch vụ công Đà Nẵng, phối hợp với ngành giao thông vận tải triển khai thu phí điện tử không dừng (ETC), thu phí đỗ xe, thanh toán không tiền mặt ở bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, bệnh viện Phụ sản - Nhi, bệnh viện Da liễu, bệnh viện Tâm thần và các trung tâm y tế quận huyện…

Thanh toán không dùng tiền mặt được mở rộng

Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng, cho biết, việc triển khai hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố trong thời gian đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Thanh toán điện tử trong dịch vụ hành chính công ngày càng được mở rộng và tăng cường, nhất là công tác phối hợp thu ngân sách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế.

Số lượng người dân thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả an sinh xã hội ngày càng tăng. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP. Đà Nẵng và các tổ chức trung gian thanh toán đã chủ động phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ để cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán và đã được khách hàng đón nhận tích cực, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, theo ông Minh, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn, miền núi gặp nhiều khó khăn do ở đây người dân có đời sống kinh tế không ổn định, việc truy cập internet còn hạn chế, nhiều người dân không dùng internet banking, không có tài khoản ngân hàng.

a2-1657941905.jpg
Việc thanh toán khôn dùng tiền mặt ngày càng được mở rộng

Các hình thức thanh toán đã được triển khai tới các bệnh viện, trường học, tuy nhiên doanh số thanh toán không dùng tiền mặt tại các đơn vị này chưa nhiều. Lý do là người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt; một số trường học ở khu vực nông thôn, miền núi phụ huynh sống bằng nghề lao động tự do, làm nông, tỷ lệ hộ nghèo còn nhiều, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn…

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng, triển khai Quyết định số 1813/QĐ-TTg về phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. Đà Nẵng đã phối hợp với các sở, ngành và UBND quận huyện xây dựng kế hoạch triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu thực hiện đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025.

Kế hoạch đã được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt và triển khai đến các đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố và đây cũng là văn bản quan trọng để cụ thể hóa các nội dung nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian đến.