Đà Nẵng: Hơn 100 doanh nghiệp giải thể, rút khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm

Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2023, TP. Đà Nẵng có 399 doanh nghiệp được cấp mới đăng ký kinh doanh với tổng vốn 1.524 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, cùng thời gian này, trên địa bàn Thành phố cũng có 106 doanh nghiệp giải thể, rút khỏi thị trường, tăng 20,5% so với cùng kỳ 2022.

Trong 2 tháng đầu năm nay, TP. Đà Nẵng có 399 doanh nghiệp được cấp mới đăng ký kinh doanh với tổng vốn 1.524 tỷ đồng; giảm 6,3% về số doanh nghiệp và giảm 32,2% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng thời gian này, trên địa bàn Thành phố cũng có 106 doanh nghiệp giải thể, rút khỏi thị trường, tăng 20,5% so với cùng kỳ 2022.

Bên cạnh đó, còn có 2.116 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện tạm ngừng hoạt động, trong khi chỉ có 569 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

hd-1677828353.jpg
Khả năng chống chịu bị bào mòn, doanh nghiệp tại Đà Nẵng rút khỏi thị trường tăng. (Ảnh: Thời báo Tài chính)

Ghi nhận cũng cho thấy, 2 tháng đầu năm 2023, TP. Đà Nẵng chỉ thu hút đầu tư 2 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 39,5 tỷ đồng, giảm 50% số dự án và chỉ bằng 2,4% tổng vốn đăng ký so với cùng kỳ. Thu hút FDI, đã cấp mới 16 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 2,55 triệu USD, giảm 53,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Cục Thống kê Đà Nẵng cho hay, sau thời gian dài gồng mình chống dịch, khả năng chống chịu của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố bị bào mòn; sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có xu hướng tăng chậm lại; sức ép lạm phát còn cao; lãi suất tăng nhanh tạo áp lực lớn về huy động vốn, tăng chi phí sản xuất; động lực thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường lớn gặp nhiều thách thức khi đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do sức cầu suy giảm.

Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trên hiện nhiều doanh nghiệp đã phải lựa chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể.

Từ đầu năm đến nay, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Đà Nẵng giảm hơn 15%; chỉ số hàng tồn kho đến cuối tháng 2/2023 tăng gần 21% so với cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tồn kho cao do không có đơn hàng như sản xuất máy móc, thiết bị trên 55%, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic trên 95%, sản xuất trang phục trên 40%...

Bên cạnh đó, chỉ số sử dụng lao động nhiều lĩnh vực công nghiệp của Đà Nẵng 2 tháng qua cũng giảm mạnh, như công nghiệp dệt giảm trên 32%, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính giảm 19%.

Năm 2023 là năm tiếp tục khó khăn đối với thị trường tài chính trong nước và thế giới do chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu, cũng như toàn cầu khiến tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh. Chi phí đầu vào cho sản xuất xuất khẩu tăng cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp như: Lãi suất tăng nhanh làm chi phí vốn của doanh nghiệp tăng cao, tỷ giá USD/VNĐ tăng mạnh làm chi phí đầu vào của hoạt động nhập khẩu nguyên liệu sản xuất tăng. Doanh nghiệp gặp phải những khó khăn chưa từng có trong hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu vốn, khó tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư. Dự báo quý 1,2 năm 2023 sẽ tiếp tục khó khăn, đây sẽ là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt.
Ánh Dương (t/h)