Đa dạng hóa các loại hình du lịch ở xã miền núi Tân Hóa, Quảng Bình

Sở hữu hệ thống hang động Tú Làn với vẻ đẹp nguyên sơ độc đáo, Tân Hóa, một xã miền núi ở Quảng Bình có rất nhiều lợi thế trong việc đa dạng hóa các loại hình du lịch.
2-1696406946.jpg
Mô hình homestay bằng nhà phao tránh lũ của các hộ dân ở xã Tân Hóa.

Tân Hóa là một thung lũng nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đá vôi. Thiên nhiên ban tặng cho Tân Hóa nhiều cảnh quan hùng vĩ với hệ thống hang động Tú Làn mang vẻ đẹp độc đáo cùng nhiều nét văn hóa đặc sắc. Với địa thế đặc trưng, Tân Hóa thường được coi là vùng “rốn lũ” khi thường xuyên ngập chìm trong nước lũ, kéo dài nhiều ngày liền.

Vừa qua, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đã có chuyến làm việc thực tế tại xã xã Tân Hóa (Minh Hóa) nhằm rà soát một số hoạt động du lịch và mô hình du lịch nơi đây.

Năm 2011, Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) được cấp phép khảo sát và chạy thử nghiệm các tour du lịch khám phá mạo hiểm tại khu vực hệ thống hang động Tú Làn.

Đến năm 2014, tuyến du lịch khám phá Tú Làn chính thức được vận hành với 9 tour, cùng nhiều loại hình khác nhau. Hiện, toàn xã Tân Hóa có hơn 3.300 nhân khẩu, trong đó có hơn 100 người đang tham gia các hoạt động du lịch tại địa phương.

Một số hoạt động du lịch và mô hình du lịch đã được đưa vào hoạt động phục vụ du khách nơi đây: Trải nghiệm lái xe địa hình ATV khám phá cảnh quan, thiên nhiên tại rừng lim, mô hình homestay bằng nhà phao tránh lũ của các hộ dân ở xã Tân Hóa, khu lưu trú Tú Làn Logde và dịch vụ ăn uống tại nhà dân. Đây là các sản phẩm du lịch độc đáo, thích ứng với thời tiết mới được Oxalis đưa vào khai thác trong năm 2023.

3-1696407088.jpg
Trải nghiệm lái xe địa hình ATV khám phá cảnh quan, thiên nhiên tại rừng lim tại xã Tân Hóa.

Tại chuyến đi, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân; đầu tư cải tạo hệ thống giao thông và chú trọng tập huấn, đào tạo cho đội ngũ nhân lực du lịch trên địa bàn; tạo điều kiện sớm phê duyệt dự án du lịch sinh thái Tú Làn.

Đặc biệt, địa phương vốn được mặc định là vùng “rốn lũ” như Tân Hóa, việc xây dựng các sản phẩm du lịch thích ứng với thời tiết là hướng đi hợp lý, sáng tạo, biến bất lợi thành lợi thế phát triển.

Việc đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội rõ rệt, góp phần tạo việc làm cho người dân, từ đó giảm áp lực lên tài nguyên rừng. Đồng thời, trong quá trình phát triển du lịch, Tân Hóa cần giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng không gian sống xanh, lành mạnh.

Trần Hùng