Cùng nhau hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững ngành sữa Việt Nam

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, để ngành sữa, sản phẩm sữa Việt Nam tiếp tục phát triển và mở rộng thị trường, với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước. Đồng thời, để ngành sữa Việt Nam phát triển xanh, bền vững cần đẩy mạnh hợp tác đầu tư, trao đổi thương mại, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực cạnh tranh.
3-1717240338.jpg
Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam phát biểu tại Lễ khai mạc VIETNAM DAIRY 2024.

Theo Bộ Công Thương: Mức tiêu thụ thực phẩm và đồ uống hiện chiếm hơn 15% GDP của đất nước và đang gia tăng từng năm. Thu nhập tăng và nhu cầu ngày càng tăng cho các sản phẩm dinh dưỡng có giá trị và chất lượng cao đồng nghĩa với việc mức tiêu thụ này sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai, cho thấy Việt Nam là một trong những thị trường phát triển tiềm năng nhất ở Châu Á đối với ngành thực phẩm và đồ uống.

Nông dân New Zealand hướng tới phát triển bền vững ngành sữa ngay từ trang trại

Triển lãm quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa lần thứ 4 tại Việt Nam (VIETNAM DAIRY 2024) diễn ra từ ngày 30/5 đến ngày 2/6/2024 tại TP. Hồ Chí Minh. Việt Nam và New Zealand là 2 trong số các quốc gia có các gian hàng, khu trưng bày với các thương hiệu, sản phẩm uy tín, chất lượng, nhằm quảng bá, giới thiệu đến khách hàng cùng các nước khác như: Australia, Đan Mạch, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Pháp. 

Ông Scott James - Tổng Lãnh sự kiêm tham tán thương mại New Zealand tại Việt Nam cho biết: “Đây là một thời điểm sôi động cho ngành công nghiệp sữa của Việt Nam. Trong những năm qua, ngành công nghiệp sữa đã liên tục phát triển, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và cải thiện dinh dưỡng cho người dân Việt Nam. Trên thực tế, những con số thống kê khẳng định, hiện nay đang là thời điểm tăng trưởng vững chắc của ngành thực phẩm và đồ uống nói chung ở Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của thực phẩm và đồ uống New Zealand đạt hơn 800 triệu đô la New Zealand, trong đó doanh thu xuất khẩu ngành công nghiệp sữa chiếm hơn 50% giá trị hàng hóa xuất khẩu của New Zealand sang Việt Nam”.

New Zealand cũng là nước tiên phong trong việc theo dõi thực phẩm trong ngành công nghiệp chế biến sữa với Fonterra là công ty sữa đầu tiên có thể theo dõi điện tử sản phẩm bất cứ nơi nào trên thế giới trong vòng vài phút, cho phép khách hàng hiểu rõ hơn về nguồn gốc của một sản phẩm cụ thể, cách sản xuất và hành trình của sản phẩm trong chuỗi cung ứng. 

1-1717240130.jpg
Ông Scott James - Tổng Lãnh sự kiêm tham tán thương mại New Zealand tại Việt Nam phát biểu tại Lễ khai mạc VIETNAM DAIRY 2024.

“Trải qua nhiều thế hệ của kiến thức và kinh nghiệm, có nghĩa là người dân của chúng tôi biết làm thế nào để có được những điều tốt nhất từ thiên nhiên. Các nhà sản xuất New Zealand có một mối liên hệ đặc biệt với đất liền và biển cả, một mối quan hệ được xây dựng trên sự quan tâm và tôn trọng, một sự hiểu biết sâu sắc rằng nếu thế giới tự nhiên lành mạnh, thì con người cũng sẽ có cuộc sống lành mạnh, sức khoẻ tốt”, ông Scott James chia sẻ.

“Nông dân sản xuất sữa New Zealand cam kết sâu sắc để làm cho các trang trại của họ bền vững hơn về mặt môi trường và xã hội. Việc bảo vệ và bảo tồn đất đai là một ưu tiên và họ luôn nỗ lực để nâng cao chất lượng nước và đa dạng sinh học, bao gồm quản lý nước thải, cải thiện hiệu quả sử dụng nước và chất dinh dưỡng được sử dụng trong các trang trại. Với sự tăng trưởng và đổi mới, trong thời gian tới, tôi tin tưởng rằng sẽ có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến sữa của 2 nước Việt Nam New Zealand có thể hợp tác chặt chẽ hơn, học hỏi lẫn nhau, cùng nhau xây dựng một ngành sữa Việt Nam phát triển xanh, bền vững”, ông Scott James chia sẻ thêm.

Ở New Zealand, nông dân rất quan tâm đến cách sản xuất thực phẩm và đồ uống. Sự quan tâm đến người tiêu dùng là động cơ thúc đẩy họ sản xuất ra các loại thực phẩm và đồ uống thương phẩm, không những ngon miệng, mà chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng cũng cao, đáp ứng an toàn vệ sinh thực phẩm, và tiêu chuẩn đạo đức của ngành sản xuất thực phẩm, đồ uống.

“Khi người tiêu dùng Việt Nam trở nên giàu có hơn, các yếu tố không thuộc về giá cả trong việc đưa ra quyết định mua sắm. An toàn thực phẩm thường được xếp hạng cao nhất khi lựa chọn sản phẩm thực phẩm và đồ uống, tiếp theo là chất lượng và cuối cùng mới là giá cả”, ông Scott James nhấn mạnh.

Ngành sữa Việt Nam hướng đến phát triển xanh, bền vững

Hiện nay, hàng hoá Việt Nam, trong đó có sản phẩm sữa tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu ra nước ngoài, trước hết phải đảm bảo được chất lượng, cũng như đảm bảo được các yêu cầu khác, vì phía nước ngoài họ vào kiểm tra ngay tại nhà máy, từ nguồn chăn nuôi, vấn đề xử lý môi trường như thế nào của doanh nghiệp Việt Nam, họ mới nhập khẩu.

Đồng thời, hiện nay Bộ Công Thương đang xây dựng đề cương chiến lược, trong đó sẽ đặt ra các chỉ tiêu về sản phẩm, sản lượng; chỉ tiêu về thị phần sữa sản xuất trong nước; chỉ tiêu về xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; định hướng phát triển các sản phẩm sữa theo hướng xanh, tuần hoàn và tiết kiệm năng lượng.

2-1717240418.jpg
Ông Nguyễn Quang Trí - Giám đốc Điều hành Marketing Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) phát biểu tại Lễ khai mạc VIETNAM DAIRY 2024.

Đề cương dự kiến sẽ đưa ra các nhóm giải pháp gồm hoàn thiện thể chế môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam theo hướng hiện đại, xanh và bền vững; đẩy mạnh xuất khẩu sữa Việt Nam; cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, tham gia trong chuỗi cung ứng ngành công nghiệp chế biến sữa.

“Trải qua gần 5 thập kỷ phát triển cùng đất nước, giá trị cốt lõi của Vinamilk được gói gọn ở một từ khoá quan trọng đó là “chăm sóc”, chăm sóc sức khoẻ cả về thể chất lẫn tinh thần cho người tiêu dùng qua bao thế hệ, bằng tất cả sự trân trọng, tình yêu cùng trách nhiệm cao nhất, vì một Việt Nam luôn khát khao vươn lên. Không dừng lại ở đó, chúng tôi nhận thức rõ rằng đóng góp của ngành sữa cho một “Việt Nam khỏe mạnh” giờ đây không chỉ là mang lại các giá trị dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe của người dân, mà xa hơn đó còn là một tương lai bền vững hơn cho môi trường và xã hội Việt Nam. Đó cũng chính là động lực để Vinamilk luôn tiên phong và bền bỉ với hành trình hướng đến phát triển bền vững từ nhiều năm qua”, ông Nguyễn Quang Trí - Giám đốc Điều hành Marketing Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) chia sẻ.

4-1717240460.jpg
 
5-1717240479.jpg
 
6-1717240501.jpg
Vinamilk là thương hiệu sữa “quốc dân” đã gắn bó với người tiêu dùng Việt Nam gần 5 thập kỷ. Đồng thời, là thương hiệu thực phẩm có giá trị nhất Việt Nam và là thương hiệu sữa lớn thứ 6 thế giới. Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến sữa luôn hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững “Vì một Việt Nam khoẻ mạnh”.

Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết: “Sữa và các sản phẩm từ sữa là những thực phẩm quan trọng cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của con người. Ngành sữa Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào nền kinh tế của đất nước với mức tăng trưởng nhanh chóng. Hàng năm, sản lượng sữa luôn được duy trì đà tăng trưởng. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy công nghệ hiện đại, áp dụng kinh tế tuần hoàn, thực hành nông nghiệp tái tạo, sử dụng năng lượng xanh - sạch, trang trại đạt chứng nhận Netzero, trồng cây xanh, năng lượng tái tạo, hướng đến tiêu dùng xanh vì một Việt Nam khỏe mạnh và giàu đẹp”.

“Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành sữa Việt Nam với nỗ lực không ngừng, đã đảm bảo được cơ bản nhu cầu sữa cho người dân Việt Nam từ trẻ em đến người già, từ người khỏe đến người bệnh. Mặt khác, sữa và sản phẩm sữa Việt Nam hiện nay đã xuất khẩu sang gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 300 triệu USD”, ông Trần Quang Trung cho biết thêm.

Tiêu thụ sữa tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Việc tham gia VIETNAM DAIRY 2024 của các các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sữa Việt Nam và các quốc gia như: Australia, Đan Mạch, Đài Loan (Trung Quốc), New Zealand, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Pháp chính là cầu nối hiệu quả trong gặp gỡ, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. Đồng thời, tăng cường hợp tác đầu tư, trao đổi thương mại, khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới phát triển xanh, bền vững cho ngành sữa Việt Nam. Từ đó, góp phần vào phát triển kinh tế, bảo vệ sức khoẻ cho người dân Việt Nam./.

Đạm Quang Lê