Thị trường Mexico còn nhiều dư địa tăng trưởng cho các doanh nghiệp Việt Nam

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hết sức quan tâm tới việc tăng cường trao đổi thương mại với thị trường Mexico giàu tiềm năng. Đây là một thị trường dễ tính với dân số đông, sức tiêu thụ mạnh, tuy nhiên, quy định về chỉ dẫn xuất xứ, an toàn thực phẩm vẫn được quản lý chặt chẽ. Mặt khác, thị phần hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam tại Mexico mới chỉ đạt con số khiêm tốn khoảng 1,3% và còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng.

Là nền kinh tế phát triển năng động, Mexico đang dần trở thành khu vực thị trường hấp dẫn đối với cả thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện, Mexico là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh; đồng thời Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mexico tại khu vực châu Á.

Theo số liệu thống kê, năm 2022, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Mexico tăng trưởng tích cực, đạt 5,421 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2021. Trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico ước đạt 4,532 tỷ USD. Đối với TPHCM, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa địa phương này và Mexico đạt hơn 364 triệu USD. Trong đó, TPHCM xuất khẩu sang Mexico hơn 300 triệu USD, tăng 6% so với năm 2022. Việt Nam mong muốn nâng cao hơn nữa giá trị kim ngạch thương mại và đầu tư với Mexico, trong đó tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, nông nghiệp kỹ thuật cao và các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Còn theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm tháng 12/2022, Mexico là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng thứ 116 trong tổng số 135 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với 4 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 0,17 triệu USD. Tuy con số còn khiêm tốn nhưng chứng tỏ tiềm năng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia còn nhiều dư địa phát triển, mở rộng trong thời gian tới.

ca-tra-1679733015.jpg
Cá tra là một trong những mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Mexico. Ảnh minh họa

Do đó, nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam những thông tin hữu ích trong hoạt động phát triển xuất khẩu sang thị trường Mexico sau khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp Đại sứ quán Mexico tại Việt Nam và Lãnh sự quán Mexico tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình Hội thảo “Thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam – Mexico”.

Tại hội thảo, trao đổi về tiềm năng kinh tế với Mexico, bà Võ Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP. Hồ Chí Minh (HLA) cho rằng, Mexico kết nối giữa Đại Tây Dương và châu Á-Thái Bình Dương, có bờ biển dài nên rất thuận lợi cho giao thương và vận chuyển hàng hoá bằng đường biển. Với lợi thế đều là thành viên CPTPP, Mexico đã cam kết xóa bỏ 77% số dòng thuế ngay, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Nhờ đó, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như thủy sản, cà phê, cao su, điện thoại và linh kiện, phụ tùng ô tô vào Mexico thời gian gần đây đạt mức tăng trưởng khá cao từ 27-65%. Ngược lại, Mexico cũng từng bước đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thịt bò, thịt lợn, nông sản, đồ uống vào Việt Nam.

Tuy nhiên, theo bà Lan, để đạt được hiệu quả kinh tế trong giao thương hàng hoá, các doanh nghiệp Việt cần tối ưu hóa chi phí logistics bằng cách sử dụng chuỗi dịch vụ logistics tích hợp: khai báo hải quan, vận chuyển nội địa, vận chuyển quốc tế, kho bãi... Đồng thời, tối ưu vận tải, sử dụng container nhập hàng để đóng hàng xuất khẩu giúp doanh nghiệp giảm 50% chi phí vận chuyển nội địa; sử dụng container nhập hàng để đóng hàng xuất khẩu giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian nâng cao năng lực sản xuất.

Bày tỏ quan điểm, ông Vũ Minh Anh, Lãnh sự danh dự Lãnh sự quán Mexico tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhờ được hưởng thuế suất 0%, năm 2022, cá ba sa là nông sản chính của Việt Nam khi xuất sang Mexico. Tuy xuất siêu nhưng phần lớn là hàng hóa trung gian, tỷ lệ "made in Vietnam" không lớn.

Vì vậy, ông Vũ Minh Anh cho rằng ngoài việc đầu tư trực tiếp, các doanh nghiệp Việt nên "thay đổi tư duy theo hướng dây chuyền cung ứng toàn cầu". Thay vì dồn nhiều nguồn lực đầu tư trực tiếp, các doanh nghiệp có thể tìm đối tác Mexico để thực hiện liên doanh, tận dụng thế mạnh của nhau nhằm sản xuất hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho các thị trường khó tính và có yêu cầu cao./.

Hương Lan