Con Mèo trong truyền thuyết dân gian

“Canh dần, tân mão, nhâm thìn/Vó câu qua cửa vào nghìn chiêm bao”. Năm con hổ đã qua, năm con mèo lại đến. Trong cái guồng quay vô tận của thời gian, dành cho mình một chút rảnh rổi để nhàn đàm về chuyện con mèo cũng là một cách thư giãn trong những ngày đầu xuân.
hinh-anh-meo-con-kute-7-1674609662.jpg

Chẳng biết tổ tiên của mèo từ một loài thú ăn thịt sống hoang dã được con người thuần dưỡng ra sao, chỉ biết rằng kể từ khi trở thành loại thú cưng sống chung với con người, chú mèo đã được người yêu mến. Mèo không chỉ đi vào cuộc sống vật chất của con người mà còn gắn với nhiều ý nghĩa tinh thần, tính cách mang ẩn dụ sâu xa.

Ít có con vật nào mà lại “đa nhân cách” (thực ra phải nói là đa “miêu” cách mới đúng) như loài mèo. Ở một con mèo, ta thấy vừa có những mặt tốt vừa có nhiều mặt xấu dường như là đối nghịch nhau. Nó vừa giản dị, gần gũi lại vừa bí ẩn ma quái. Nó vừa tượng trưng cho sự từ tốn, hiền lành, nền nếp lại là hình ảnh xấu về sự nhếch nhác, lông bông, tinh ranh …

Dân gian nhìn nhận về những mặt tốt của mèo

Tính tốt cần được nối đến của mèo là hiền lành, dễ gần gũi. Bước đi, bước nhảy của mèo rất nhẹ nhàng, êm ái. Giác quan của mèo thính nhạy, định hướng tốt. Ích lợi không thể chối bỏ là mèo bắt chuột; nói cách khác mèo là khắc tinh của chuột… Chính vì vậy, mèo được dân gian nhìn nhận với thái độ yêu mến, bao dung. Hình tượng mèo trong ngôn ngữ dân gian mang những ý nghĩa ẩn dụ hết sức nhân văn; hãy thử xem qua một số câu tục ngữ, thành ngữ sau đây:

Mèo lành ai nỡ cắt tai - ý nói người tốt thì không ai nỡ xử tệ. Ăn nhỏ nhẻ như mèo - là ăn từ tốn, từng miếng một. Phụ nữ ăn nhỏ nhẻ được khen là có nết nhưng đàn ông ăn như mèo thì bị chê bai. Chó giữ nhà, mèo bắt chuột - Ý nói ai cũng có nghề nghiệp, công việc của mình, đừng có tị nạnh nhau. Vì vậy khi làm việc trong tập thể, đừng có tự đề cao mình theo kiểu “Mèo khen mèo dài đuôi” bởi mỗi người đều có sở trường riêng của mình, chưa biết ai sẽ hơn ai “Mèo nào cắn mỉu nào.”

“Mèo nhỏ bắt chuột con” khuyên hãy biết liệu sức mình mà đảm đương công việc. Tài hèn sức mọn mà ham đảm trách việc lớn thì chỉ chuốc lấy thất bại chẳng khác nào “Mèo vật đụn rơm”. Tuy nhiên “Mèo con bắt chuột cống” cũng là việc làm đáng khen bởi người trẻ tuổi tài cao, làm được việc mà nhiều người lớn làm không nổi.

Khi ai đó bị cám dỗ vật chất, khó tránh được tai tiếng, người ta lại lấy hình tượng con mèo ra để chống chế: “Mèo nào chẳng ăn vụng mỡ”! Bên cạnh những cách nhìn thân thiện nêu trên thì mèo cũng có nhiều thói xấu như: ăn vụng, ngủ ngày, nhếch nhác… Công bằng mà nói thì cán cân nghiêng về mặt tốt nhiều hơn. Dù mèo có những cái xấu nhưng đó là những cái xấu dễ thương!

Về ăn vụng thì người ta đã có cách thức đồi phó đơn giản: “Chó treo, mèo đậy”. Về ngủ ngày thì có thể tha thứ được bởi mèo phải thức đêm để bắt chuột. Về thói nhếch nhác thì câu hát “Lêu lêu lêu rửa mặt như mèo…” xem như là một kiểu cho qua vui vẻ!

Tuy nhiên, thật đáng ngạc nhiên khi nhận ra rằng, dù mèo là con vật cưng nhưng những ẩn dụ tiêu cực từ con mèo lại khá nhiều – nhiều hơn cả những ẩn dụ mang ý tích cực. Những ẩn dụ tiêu cực ấy thể hiện qua thái độ của dân gian khi dùng mèo để nói về những khía cạnh khác nhau của con người và cuộc sống.

Khi chỉ về vận may bất ngờ đến với kẻ nghèo hèn đang túng quẫn nhân dân lấy hình ảnh “Mèo mù vớ phải cá rán”. Làm ơn cho kẻ có thể hại mình chẳng khác nào “Chuột cắn dây buộc mèo”. Đặt trước mặt người ta một thứ gì mà người ta đang mong muốn, thèm khát thì chẳng khác nào “Mỡ để miệng mèo”.

Dân gian cũng mượn hình tượng mèo để nói về thái độ ứng xử trong cuộc sống : “Mèo tha miếng thịt xôn xao/ Hùm tha con lợn thì nào thấy chi” để nói đến kẻ có quyền hành làm việc sai trái thì không sao, trong khi kẻ dưới dù phạm lỗi nhỏ thì bị trừng phạt nặng. Thế nhưng khi quyền lợi của các vị ấy bị xâm phạm thì chẳng khác nào “Hùm mất hươu hơn cả mèo mất thịt”.

Mèo là con vật cưng nhưng khi mèo cưng trở thành “mèo mù” trong câu “Chó gio mèo mù” thì nó tượng trưng cho những vật vô giá trị, đần độn, ngu ngốc. Đôi khi những thứ ấy là thứ bỏ đi, lăn lóc, không ai muốn nhận đến mức “Chó tha đi, mèo tha lại ”. Cưng như vậy nhưng khi nổi giận thì con người cũng “Chửi chó mắng mèo” hoặc “Đá mèo, quèo chó” - trút bực tức qua những con vật nuôi trong nhà. Vậy nên ai ở trong hoàn cảnh khó khăn mới biết thông cảm “Có ăn nhạt mới thương tới mèo”.

Mèo còn được sử dụng trong những ví von về cách ứng xử trong gia đình. Có câu ca dao: “Vợ quá chiều ngoen ngoẻn như chó con liếm mặt / vợ phải rẫy tiu nghỉu như mèo lành mất tai” khuyên các đấng ông chồng không nên nuông chiều vợ quá, mà cũng không nên hiếp đáp vợ quá. Nuông chiều thì vợ lờn mặt, lâu dần sẽ lấn áp quyền chồng. Còn hiếp đáp thì vợ buồn rầu, gia đình mất hòa khí, mất hạnh phúc.

Hình tượng con mèo còn tượng trưng cho những nét tính cách con người

Khi nói về hạng người lang thang vô giáo dục thì dùng hình ảnh “Mèo mả gà đồng” hoặc “Mèo đàng chó điếm”. Thậm chí có khi bao hàm cả một sự đánh giá “Mèo lành chẳng ở mả, ả lành chẳng ở hàng cơm”. Thật đúng là: “Mèo hoang lại gặp chó hoang/anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai”. Nói về kẻ khôn ngoan, tinh ranh ma mảnh thì “ Mèo già hóa cáo”.

Nói kẻ hà tiện, có tính bủn xỉn thì “Buộc cổ mèo, treo cổ chó ”. Hạng người này thường là loại “Chó khô, mèo lạc” không có tài năng, khi có lợi thì dễ bị cám dỗ “Như mèo thấy mỡ”, có gì riêng tư thì giấu kỉ “Giấu như mèo giấu cứt” hoặc “Im ỉm như mèo ăn vụng” cốt để hưởng lợi một mình. Hạng người này khi có lợi thì tận hưởng, khi lợi ích bị xâm hại thì “Lèo nhèo như mèo vật đống rơm” để nài nỉ, xin xỏ. Nài xin không được thì buồn rầu “Tiu nghỉu như mèo cắt tai” hoặc thẫn thờ, ngơ ngác, tiếc rẻ đến mức “Lôi thôi như mèo sổ chuột”. Thông qua con mèo, nhân dân còn có ý phê phán kẻ không thấy lỗi mình, mà chỉ thấy lỗi người “Chó chê mèo lắm lông”.

Trong công việc khi phải dùng một người trong một việc không đúng với sở trường, khả năng của người đó thật chẳng khác nào “Không có chó bắt mèo ăn cứt”. Vì vậy người nhận việc cũng phải liệu sức “Mèo cào không xẻ vách vôi ” - trước khi làm việc gì phải tự lượng sức mình, cố gắng cho lắm cũng vô ích. Phải biết chọn việc vừa với sức mình “Mèo nhỏ bắt chuột con”. Còn làm việc không đến nơi đến chốn, chỉ giỏi ăn và khoe mẻ thì có câu “Ăn như rồng cuốn, uốn như rồng leo, làm như mèo mửa”.

Chuyện mèo còn nhiều, còn dài. Thương - ghét, khen - chê … đều có đủ cả. Qua con mèo mà có thể thấy được cái nhìn sâu sắc, phong phú của nhân dân về các khía cạnh của con người và cuộc sống. Góp nhặt ra đây những câu nói dân gian về mèo cũng là một cách để chia sẻ, chia vui trong dịp đầu năm Quý Mão vậy./.

Lê Đức Thịnh