Cổ nhân dạy: Dưỡng tâm không gì tốt bằng ít ham muốn

Có một người trẻ tuổi đến bên bờ hồ, thấy dưới nước có thỏi vàng lấp lánh. Anh ta rất vui mừng liền nhảy xuống nước để mò vàng. Nhưng mặc dù ra sức lặn xuống mò không biết bao nhiêu lần, anh ta vẫn không mò được.
song-tho2-1-1549377260-7199-1549377443-1655425723.png
Ảnh minh họa

Cuối cùng sức cùng lực kiệt, khắp người ướt sũng, bùn đất bẩn thỉu, anh ta bèn lên bờ ngồi nghỉ. Không ngờ, mặt nước một lúc sau lại phẳng lặng, thoi vàng lại hiện ra nơi đáy nước. Anh ta nghĩ, thỏi vàng dưới nước rốt cuộc là ở đâu? Rõ ràng mình nhìn thấy, tại sao mò không được? Thế rồi anh ta lại nhảy xuống nước mò vàng. Vẫn vô ích như trước, chẳng mò được, nhưng anh ta không chịu từ bỏ.

Lúc đó cha anh ta đến, thấy con trai toàn thân ướt đẫm, bẩn thỉu đầy bùn đất, bèn hỏi: “Xảy ra chuyện gì vậy?” Người con trả lời: “Rõ ràng con thấy thỏi vàng dưới nước, nhưng không biết bao nhiêu lần rồi con lặn xuống mò mà vẫn không mò được”. Người cha nhìn mặt nước phẳng lặng, rồi ngẩng đầu nhìn lên cây, nói: “Con xem, thỏi vàng không ở dưới nước mà nó ở trên cây”.

Con người ai ai cũng truy cầu hạnh phúc, nên ai ai cũng bôn ba, lăn lộn tranh giành thắng thua, được mất, chìm nổi phiêu dạt trong danh - lợi - tình - thù. Ai ai cũng thấy hạnh phúc hiển hiện ngay trước mặt, dốc sức tiến tới, lao vào, giành giật. Nhưng chính lúc tưởng đã tóm được hạnh phúc trong tay thì hạnh phúc lại tan biến đi như ảo ảnh.

Cuộc đời luôn tồn tại những điều trái ngược, đối lập, có được thì ắt sẽ có mất, có thắng thì ắt sẽ có thua, có khỏe thì ắt sẽ có yếu, có trẻ thì ắt sẽ có già, có đẹp thì ắt sẽ có xấu, có vinh thì ắt sẽ có nhục, có phúc thì ắt sẽ có họa. Đó chính là cái lý tương sinh tương khắc. Lão Tử viết trong “Đạo đức kinh” rằng: “Họa hề phúc chi sở ỷ; phúc hề, họa chi sở phục”, nghĩa là “Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của mối họa đang rình rập”.

Do đó, nếu đi tìm hạnh phúc từ những vinh hoa phú quý, danh vọng quyền thế, hay tiền tài, sắc đẹp… thì quả thật nguy hiểm. Đắc được đã khó, giữ được càng khó hơn, và theo lẽ tương sinh tương khắc, thì cuối cùng những thứ mà chúng ta vất vả tranh đấu, bôn ba ngược xuôi, lao tâm khổ tứ có được cũng sẽ mất. Khi sức cùng lực kiệt, tuổi già khô héo, mới thấy mọi thứ trống rỗng, giống như anh chàng nhảy xuống nước mò vàng vậy, như “Dã tràng xe cát biển Đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”.

Nhưng nếu chúng ta suy nghĩ lại, quay lại, thì hạnh phúc trong tầm tay. Phật gia giảng, “Hồi đầu thị ngạn” (quay lại là bờ), giống như anh chàng mò vàng kia, nếu ngẩng đầu lên thì thấy thoi vàng thực ở trên cây soi bóng xuống đáy nước. Hạnh phúc đích thực là ở trong tâm chúng ta, nó phản ánh ra thế giới bên ngoài qua những hình ảnh lấp lánh của công danh lợi lộc. Chúng ta cứ mải miết chạy theo cái bóng hư ảo đó, khác nào anh chàng kia cứ nhảy xuống nước mò vàng.

Lão Tử nói: “Họa mạc đại ư bất tri túc. Cữu mạc đại ư dục đắc. Cố tri túc chi túc, thường túc hĩ”, nghĩa là: “Không họa nào lớn bằng không biết đủ. Không hại nào lớn bằng muốn được của. Cho nên biết cho mình là có đủ, thời luôn luôn đủ”. Người biết đủ, là người có nội tâm yên tĩnh, lúc nào cũng thấy hài lòng với bản thân, không ngoại vật nào như danh vọng, tiền tài, nữ sắc, tình thế nhân có thể động đến họ được, do đó luôn luôn an nhiên, tự tại, tường hòa. Đó là hạnh phúc chân thực, đích thực.

Phật Hoàng Trần Nhân Tông cũng dạy: Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền. Nghĩa là: Của báu trong nhà thôi tìm kiếm/Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.

Hạnh phúc có sẵn trong tâm mỗi người, đâu cần lăn lộn ngược xuôi. Tìm về cái tâm mình, bỏ đi các ham muốn, dục vọng, danh lợi, khẩu khí, được mất, thắng thua, thì chúng ta tìm lại được kho báu của chính mình. Phật tính xuất hiện, như ánh vàng kim chói lọi, lúc đó, chúng ta có được hạnh phúc đích thực.

Bước đi đầu tiên trở về với cái tâm của mình, trở về với bản tính thiện lương, là giảm dần các ham muốn, dục vọng. Nho gia cũng dạy “Dưỡng tâm mạc thiện ư quả dục” (Dưỡng tâm không gì tốt bằng ít ham muốn).

Vạn sự khởi đầu nan, bước đi đầu tiên, giảm ham muốn dục vọng, là bước đi khó khăn nhất. Nhưng hành trình vạn dặm cũng bắt đầu bằng bước đi đầu tiên này. Nào, chúng ta hãy cùng bước, bước đi bước đầu tiên trên hành trình vạn dặm tìm về với cái tâm chân thật của mình, về với hạnh phúc đích thực./.