Cỏ Mần trầu: Vị thuốc quý của người Việt Nam

Nhắc tới cỏ mần trầu chắc hẳn người dân quê Việt Nam không ai là không biết. Đây còn là loại thảo dược quý từ hỗ trợ làm đẹp đến điều trị các bệnh mạn tính trong Đông y với khả năng kháng Glyphosate - hoạt chất trừ cỏ phổ biến nhất hiện nay.
cay-co-man-trau3-700x430-1638142500.jpg
Trong dân gian người ta còn gọi cỏ Mần trầu với cái tên: cỏ Màn trầu, Muồng trầu, cây Mần trầu, cỏ Chỉ tía, cỏ Màn, Vườn trâu, Cao đay. Tên khoa học cây cỏ mần trầu là Eleusine indica (L) Gaertn. Thuộc họ lúa

Cỏ mần trầu là cây thân thảo với chiều cao trung bình từ 30-50cm, một số cây trưởng thành có chiều cao lên tới 90cm. Rễ cây cỏ mần trầu dạng chùm, bám rất chắc dưới mặt đất. Thân bò dài ở gốc, có phân nhánh, sau mọc thẳng đứng thành bụi. Lá đơn mọc so le nhau có hình dải nhọn, gân lá nổi rõ ở mặt dưới. Hoa cỏ mần trầu mọc theo từng cụm, là bông xẻ ngón 5-7 nhánh dài mọc tỏa tròn đều ở đầu cuống và có 1-2 nhánh xếp thấp hơn ở dưới. Quả có hình thuôn dài.

Cỏ mần trầu mọc hoang ở hầu hết các tỉnh thành của nước ta. Tất cả các bộ phận của cây đều được sử dụng để làm thuốc. Người ta thường thu hái cây vào cuối hè để có hàm lượng dược chất cao nhất. Người dân sẽ nhổ cả cây sau đó mang đi rửa thật sạch, loại bỏ đất cát và lá hỏng. Có thể cắt cây thành những đoạn ngắn để phơi khô và sử dụng làm thuốc hoặc có thể dùng tươi. Trong cây cỏ Mần trầu có chứa các thành phần như flavonoid, phenol, tannin, ancaloit, steroid, saponin,… Trong đó, hoạt chất tannin có công dụng kháng khuẩn, kháng virus cao, rất công hiệu trong kháng viêm, điều trị tiêu chảy,…

Tác dụng chữa bệnh của cây cỏ Mần trầu

Cỏ mần trầu có vị ngọt đắng, tác dụng hạ nhiệt, cầm máu, tiêu viêm và ra mồ hôi rất tốt. Dân gian thường nấu nước cây cỏ mần trầu uống khi sinh nhiệt trong người, gây bức bối, khó chịu, khô da… Ngoài ra, cây còn có tác dụng điều trị cao huyết áp, phổi, giải độc cơ thể,…

Các bài thuốc từ cây cỏ Mần trầu

Trị nóng trong người kèm da mẫn đỏ với cỏ mần trầu: Lấy 30g cỏ mần trầu đun cùng với 600 ml nước. Đun cho đến khi còn 200ml thì chia làm hai lần uống trong ngày sau khi ăn 30 phút.

Trị băng huyết cho phụ nữ sau sinh: Phụ nữ sau sinh nếu tử cung co bóp quá yếu có thể dẫn đến máu chảy tự do ra ngoài hay còn được gọi là băng huyết sau sinh, để cầm máu tốt nhất, người bệnh nên áp dụng bài thuốc sau: Lấy 1 nắm mần trầu, cây ké, rễ tranh, cam thảo, gừng tươi 2 củ, lá muồng trâu, cây rau má, 8 lá ngải cứu, củ xả thái lát 9 củ, vỏ quýt. Cho tất cả nguyên liệu vào nồi đun sôi còn 400ml thì dùng nước uống hai lần trong ngày.

Cây cỏ Mần trầu trị rụng tóc: Lấy 100g cỏ mần trầu, hương nhu, vỏ bưởi, 5-10 quả bồ kết, sau đó mang đi đun sôi với nước để gội đầu hàng ngày. Áp dụng cách này liên tục 2 tuần sẽ thấy tóc giảm rụng hẳn, chắc khỏe và mềm mại.

Cây cỏ Mần trầu tắm cho trẻ sơ sinh trị mề đay, mẩn ngứa, rôm sẩy: Chỉ cần dùng 1 nắm lá mần trầu rồi đun nước lau mình trẻ khoảng 2 lần/ngày là giảm hoàn toàn các triệu chứng.

Chữa tăng huyết áp: 500g cỏ mần trầu tươi, rửa sạch, giã nát, sau đó cho thêm 1 bát nước đun sôi để nguội. Lọc lấy nước cốt, thêm chút đường vào và uống 2 lần sáng, chiều.

Đề phòng viêm màng não truyền nhiễm: 30g cỏ mần trầu sắc uống trong ngày. Áp dụng liên tục 3 ngày, nghỉ 10 ngày, sau đó lại uống tiếp 3 ngày nữa.

Chữa sốt cao co giật, hôn mê: 120g cỏ mần trầu. Sắc cùng với 600ml nước, còn 400ml thì cho thêm ít muối, uống nhiều lần trong 12 giờ.

Chữa viêm da, vàng da: 60g cây cỏ mần trầu tươi, 30g rễ cây tổ kén đực. Sắc uống.

Chữa nóng sốt, môi nứt, tưa lưỡi: mỗi loại 1 nắm bao gồm các vị thuốc: cỏ mần trầu, rau má, cỏ mực, rễ tranh, rau bồ ngót, lá muồng trâu, rau sam; 2 khoanh bí đao, 1 muỗng đậu xanh. Mang đi sắc với nước, cho tới khi cạn còn 2 bát thì tắt bếp. Chia làm 2 lần uống trong ngày.

Chữa bạc tóc: Lấy 10g cỏ mần trầu, 15g đỗ trọng, 25g rễ khúc khắc, 15g ngũ gia bì, 5g cam thảo và 5g nhân trần. Sử dụng tất cả nguyên liệu sắc uống trong 1 ngày, uống trước ăn 15 phút.

Chữa đại tiện ra máu đen: dùng liều lượng bằng nhau các vị: 1 nắm cỏ mần trầu, cam thảo nam, cây ké, rễ tranh, trắc bách diệp, muồng trâu, rau má), 2 nắm cỏ mực, 5 củ sả, 3 lát gừng, 9 lá ngải cứu, 2 muỗng than tóc. Cho tất cả nguyên liệu vào nồi sắc cho tới khi còn 2 chén thì chia làm 2 lần uống mỗi ngày.

Chữa sỏi tiết niệu: cỏ mần trầu 40g, mộc thông 8g, chi tử 8g, lá tre 20 lá, bông mã đề 20g, cam thảo 8g, hương phụ chế 12h, cù mạch 8g, sinh địa 16g. Sắc uống, chia làm 3 lần trong ngày. Nếu người bệnh bị đái ra máu thì thêm 20g rễ cỏ tranh, còn đái buốt thêm hoạt thạch 12g. Uống một đợt 10 thang.

Cây cỏ mần trầu có vô vàn các công dụng đối với sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, trước khi áp dụng bất cứ bài thuốc nào, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo đủ hàm lượng thảo dược và không kích ứng với cơ địa của bản thân./.