Quảng cáo #128

Cơ hội vàng cho ngành thủ công mỹ nghệ của Hà Nội trước các hiệp định FTA thế hệ mới

Hiện nay, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam nói chung, và Hà Nội nói riêng đang bị sụt giảm đơn hàng ở các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản... Nhưng tại các nước mới nổi như Thái Lan, Philippines, Indonesia, lượng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đang tăng. Đây đang là thách thức lớn đối với những nhà quản lý cũng như những doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
co-hoi-nganh-thu-cong-my-nghe-1-1734671766.jpg
Tham gia các hội chợ quốc tế là cơ hội để tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường.

Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có 5.411 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 1.864 làng nghề, làng nghề truyền thống và 115 nghề truyền thống đã được công nhận. Thành phố Hà Nội được biết đến là “cái nôi” làng nghề với hơn 1.350 làng nghề, chiếm 45% tổng số làng nghề trong cả nước. Trong đó, có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận, với 6 nhóm nghề gồm: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý chế biến, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.

Hiện nay, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam nói chung, và Hà Nội nói riêng đang bị sụt giảm đơn hàng ở các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản... Nhưng tại các nước mới nổi như Thái Lan, Philippines, Indonesia, lượng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đang tăng. Đây đang là thách thức lớn đối với những nhà quản lý cũng như những doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam. 

Các Hiệp định FTA mà Việt Nam ký kết là cơ hội cho những doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ nói riêng mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, FTA có những “hàng rào kỹ thuật”, buộc các nhà sản xuất của Việt Nam phải thay đổi, phải hoàn thiện. Chẳng hạn những quy định chặt chẽ về yếu tố môi trường, công nghệ, sản phẩm "sạch".... đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định kỹ thuật, chuẩn mực mới của quốc gia thành viên. Đặc biệt, khi tận dụng FTA, doanh nghiệp phải thích nghi với các thay đổi trong môi trường kinh doanh bao gồm cạnh tranh, quyền sở hữu trí tuệ, quy định về lao động…

co-hoi-nganh-thu-cong-my-nghe-2-1734671855.jpg
 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, số lượng doanh nghiệp của Hà Nội có giao dịch xuất khẩu với các nước ký kết FTA còn hạn chế và chưa xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống, chưa thích ứng với những thị trường có FTA… Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Thủ đô còn yếu, sản phẩm, hàng hóa phần lớn chưa đáp ứng các điều kiện về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp chưa chủ động trong việc tìm hiểu, nghiên cứu sâu về các cam kết trong FTA để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh dài hạn nhằm hướng đến tận dụng những ưu đãi thuế quan…

Việc tận dụng cơ hội từ các FTA không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường quốc tế đang có nhiều biến động như hiện nay.

Theo Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của thành phố Hà Nội, mục tiêu giai đoạn 2023-2025 là tăng trưởng xuất khẩu đạt 4,4% - 5%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt 5,1% - 5,5%/năm; đến năm 2030 có từ 6 - 10 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường nước ngoài; đồng thời, nâng tỷ trọng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chiếm từ 3% - 5% trong tỷ trọng xuất khẩu của thành phố. 

Trong thời gian tới, ngành Công Thương Hà Nội cần tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ ngành thủ công mỹ nghệ, phát huy hiệu quả của các hội chợ như Hội chợ quốc tế Hanoi Gift Show, Hanoi Great Souvernirs để tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường.

Thực tế triển khai Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội (Hanoi Giftshow) trong 14 năm qua đã ghi nhận trên 130.000 lượt khách tham quan, giao dịch mua sắm, trong đó có trên 8.500 lượt nhà nhập khẩu, khách thương mại quốc tế tham gia các hoạt động kết nối giao thương, hàng nghìn hợp đồng, biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn đã được giao dịch ký kết, góp phần đưa sản phẩm TCMN của Việt Nam vươn ra các thị trường tiềm năng./.

PV