Nhận lời mời của Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Boris Johnson, từ ngày 31/10-3/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26); thăm và làm việc tại Vương quốc Anh. Hoạt động ngoại giao này sẽ là động lực quan trọng và thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới.
*Tăng trưởng ấn tượng
Theo Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương), tuy bị nhiều ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Vương quốc Anh vẫn đạt 5,6 tỷ USD trong năm 2020. Quan trọng hơn, Việt Nam luôn giữ vững mức thặng dư thương mại lớn tại thị trường này.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Anh có thể kể đến như: điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, da giày, thủy sản, nông sản qua chế biến, đồ gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm từ chất dẻo… Việt Nam nhập khẩu chính từ Anh các sản phẩm như máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất; dược phẩm; hóa chất…
Hiện nay, dư địa hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa hai nước còn rất lớn, khi giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Anh chỉ chiếm khoảng 0,88% tổng nhập khẩu của thị trường Anh. Cùng với đó, giá trị hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam mới chiếm 0,17% giá trị hàng hóa Vương quốc Anh xuất khẩu ra thế giới. Mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh.
Trong lĩnh vực đầu tư, Vương quốc Anh có 400 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký đạt 3,6 tỷ USD, đứng thứ 16 trong số 137 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Hơn nữa, quy mô đầu tư của nhà đầu tư Anh vào Việt Nam chưa phản ánh đúng tiềm năng là một trong 5 nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới, khoảng 300 tỷ USD. Đồng thời, cũng là nước thu hút đầu tư từ bên ngoài lớn nhất thế giới. Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện có 9 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 11,5 triệu USD tại Anh.
Ngoài ra, hai nước còn có nhiều dự án hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng đang được triển khai và đạt hiệu quả tốt. Đặc biệt, việc ký kết Hiệp định Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), ngoài việc đảm bảo thương mại song phương không bị gián đoạn sau khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit, Hiệp định UKVFTA còn tạo khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại toàn diện, lâu dài, ổn định giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Từ đó, tạo động lực cho việc tăng cường và làm sâu sắc quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai bên, góp phần đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu.
Thống kê cho thấy, năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, thương mại song phương Việt Nam - Vương quốc Anh đạt 5,6 tỷ USD, giảm gần 15% so với năm trước; trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh đạt gần 5 tỷ USD, giảm 14% và nhập khẩu từ Anh đạt khoảng 687 triệu USD, giảm gần 20%.
Riêng 8 tháng năm 2021, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 4,47 tỷ USD, tăng 22,85% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,90 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều mặt hàng nông, lâm nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã có mức tăng trưởng tích cực như sản phẩm từ cao su, gạo, sản phẩm mây, tre, cói và thảm, gỗ và sản phẩm gỗ.
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Anh trong 8 tháng năm 2021 đạt 565 triệu USD, tăng 26,02% so với cùng kỳ năm 2020. Các sản phẩm xuất khẩu có mức tăng trưởng tốt tại thị trường Anh trong hai quý đầu năm 2021 gồm sản phẩm mây, tre, cói và thảm; phương tiện vận tải và phụ tùng; giấy và các sản phẩm từ giấy; sản phẩm gốm, sứ; kim loại thường khác và sản phẩm; xơ, sợi dệt các loại; hàng rau quả.
Đáng lưu ý, nhóm hàng sắt thép các loại và sản phẩm từ sắt thép có mức tăng trưởng đột biến trong bối cảnh Vương quốc Anh đang tăng cường điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại vào nhóm sản phẩm từ nhiều quốc gia.
Theo nhận định từ các chuyên gia thương mại, việc xuất khẩu thành công sản phẩm nhãn sang thị trường EU và Anh đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, khẳng định được vị thế, giá trị của các mặt hàng nông sản trên thị trường quốc tế. Đồng thời thúc đẩy sản xuất tại cơ sở, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người trồng nhãn trên địa bàn huyện Sông Mã nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung.
Công ty CP Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) cho biết, mới đây lô hàng 60 tấn gạo thơm thượng hạng được doanh nghiệp Long Dan tại Anh nhập của Vinaseed đã bày bán tại chuỗi siêu thị Long Dan với giá bán lẻ 15,5 bảng/10 kg (465.000 đồng/10 kg). Điều này cho thấy, doanh nghiệp Việt đã bước đầu nắm bắt và tận dụng được cơ hội mà Hiệp định UKVFTA mang lại để đưa gạo Việt hiện diện tại thị trường Anh.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh, đây là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu, có chính sách thương mại tự do và nhu cầu nhập khẩu nông sản lớn. Đây cũng là thị trường có tính cạnh tranh rất cao với nguồn hàng nhập khẩu từ nhiều nước.
Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam muốn thiết lập quan hệ bạn hàng lâu dài sang Anh cần phải có chiến lược phù hợp; đồng thời tăng cường tiếp cận các đối tác tiềm năng để tận dụng cơ hội xuất khẩu vào thị trường quan trọng này.
*Tận dụng cơ hội
Để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Anh, nhất là với mặt hàng nông sản, ông Nguyễn Cảnh Cường cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể tận dụng được cơ hội thị trường khi sản phẩm đáp ứng được yêu cầu chất lượng và phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Anh. Đơn cử như thực hành sản xuất theo GlobalGAP vì đây là một trong những điều kiện tiên quyết để nông phẩm Việt Nam có thể tiếp cận được các thị trường cao cấp.
Bà Anh Đào Carrick – Tổng thư ký Hội người Việt Nam tại Anh chia sẻ, cộng đồng người Việt Nam tại Anh sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam khi đi siêu thị và tỏ ý sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu thị trường, tư vấn chiến lược marketing và tiếp cận nhập khẩu hàng tiêu dùng Anh.
Đại diện Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ nhấn mạnh, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam so với Vương quốc Anh mang tính chất bổ sung thay vì cạnh tranh. Điều này cho thấy, trao đổi thương mại giữa hai quốc gia trong thời gian tới còn nhiều dư địa phát triển.
Do đó, Bộ Công Thương sẽ xây dựng chương trình hành động tổng thể, toàn diện, tập trung cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức thực thi, luật hóa Hiệp định UKVFTA cho phù hợp các cam kết đã ký nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thực thi, điều chỉnh chính sách, đảm bảo mang lại hiệu quả cho nền kinh tế.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về hiệp định thông qua việc tổ chức các hội thảo, khóa tập huấn chuyên sâu như tra cứu cam kết về thuế, quy tắc xuất xứ… tại nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ cho hay, đầu năm 2021, Vương quốc Anh đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nếu Vương quốc Anh gia nhập CPTPP, mối quan hệ thương mại giữa Vương quốc Anh và Việt Nam hứa hẹn sẽ càng thêm gắn kết khi cùng tham gia thêm một khung hợp tác thương mại nữa.
Đặc biệt, đầu năm 2022, khóa họp Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Vương quốc Anh về hợp tác kinh tế, thương mại (JETCO 12) dự kiến sẽ được tổ chức trực tiếp tại Vương quốc Anh.
Theo Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, tại Phiên họp JETCO 11, hai bên đã thảo luận các vấn đề hợp tác trên các lĩnh vực như thúc đẩy hợp tác nâng cao năng lực trong hoạt động quản lý thị trường, chống buôn lậu; hợp tác nâng cao các dịch vụ tài chính, hải quan, phát triển thị trường chứng khoán, áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế. Cùng đó, thúc đẩy hợp tác phát triển thị trường năng lượng sử dụng vốn của các Quỹ tài chính của Vương quốc Anh đặc biệt là các dự án năng lượng mặt trời áp mái; hợp tác trong việc xem xét xuất – nhập khẩu các sản phẩm thịt...
Với nội dung thảo luận hợp tác sâu và rộng như các kỳ họp JETCO đã diễn ra, chắc chắn những thỏa thuận sắp tới tại khóa họp JETCO 12 sẽ góp phần mở ra những cơ hội mới cho mối quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước Việt Nam - Vương quốc Anh./.