Cơ chế liên vùng - giải pháp xuyên suốt cho phục hồi sản xuất

Thống nhất xây dựng cơ chế liên vùng nối liền không gian kinh tế giữa địa phương với địa phương, nhà máy với công nhân, ao nuôi với ao nuôi ... là giải pháp được Bộ NN&PTNT ưu tiên nhằm hạn chế thiệt hại do đứt gãy chuỗi cung ứng thuỷ sản.

Thiếu nguyên liệu đáp ứng đơn hàng đã ký

Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư gây ra hậu quả nghiêm trọng khiến chuỗi cung ứng một số mặt hàng thuỷ sản chủ lực gần như bị đổ vỡ. Để có thể phục hồi sản xuất sau giãn cách xã hội, các doanh nghiệp cần có thời gian dài. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thời gian trung bình để doanh nghiệp khôi phục được 50% công suất sản xuất cần từ 3 - 6 tháng, khôi phục 70% công suất sản xuất cần từ 9 tháng - 1 năm, khôi phục 100% công suất sản xuất cần khoảng 1,5 - 2 năm.

Thực tế cho thấy, chỉ có khoảng 40% doanh nghiệp trong Hiệp hội đủ sức phục hồi sản xuất. Một trong những khó khăn đó là việc thiếu các nguyên liệu đầu vào để phục vụ chế biến và xuất khẩu, không những ở thời điểm hiện tại mà trong cả thời gian sắp tới. Nguyên nhân do doanh nghiệp không thể tổ chức thu mua nguyên liệu và e ngại tái nuôi thả.

Điển hình phải kể đến ngành hàng cá tra. Có 106 nhà máy chế biến cá tra đăng ký xuất khẩu tại 5 tỉnh với số lao động ước khoảng 190 nghìn người thì tính đến đầu tháng 9/2021 có 52 nhà máy phải tạm dừng hoạt động. Số lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh khoảng trên 70%. Số lượng nhà máy cá tra vẫn đang hoạt động “3 tại chỗ” chỉ duy trì khoảng 14 đơn vị tại 6 tỉnh trọng điểm với công suất đạt 20-30%. Trong đó, các doanh nghiệp chủ yếu tập hợp công nhân đóng bao bì sản phẩm chế biến. Còn số lượng các nhà máy thu mua cá sản xuất rất hạn chế do không thể lưu thông.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP đánh giá, với tình hình hiện nay, khả năng xuất khẩu cá tra có thể giảm trên 30%, nhiều doanh nghiệp sẽ mất những đơn hàng cuối năm và không dám nhận những đơn hàng mới. Một trong những khó khăn đó là việc thiếu nguyên liệu đầu vào để phục vụ chế biến và xuất khẩu dịp cuối năm do người nông dân giảm diện tích nuôi thả.

                  

tom-1633494451.jpg
Ngành tôm đang gặp khó khăn do không đủ nguyên liệu cho đơn hàng xuất khẩu. ảnh: trube

Ngành tôm đang gặp khó khăn do không đủ nguyên liệu cho đơn hàng xuất khẩu. ảnh: trube

Không chỉ có cá tra mà ngành tôm cũng gặp khó khăn tương tự. Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú hiện đang nợ rất nhiều đơn hàng xuất khẩu. Ông Lê Văn Quang, Giám đốc Công ty, cho biết, với thực tế sản xuất tại các địa phương hiện nay, doanh nghiệp dù có nỗ lực đến mấy vẫn không đủ nguyên liệu phục vụ đơn hàng tại châu Âu, châu Mỹ. Doanh nghiệp chỉ hy vọng việc thả nuôi tôm được khuyến khích triển khai ngay từ bây giờ thì đến cuối tháng 11, tháng 12 mới có tôm nguyên liệu phục vụ chế biến kịp xuất khẩu đi các nước châu Á.

Cùng kiến tạo không gian an toàn

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phẩn Vĩnh Hoàn, cho biết: Để các doanh nghiệp ngành hàng cá tra khôi phục được 70% công suất sản xuất, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, rất cần sự tháo gỡ kịp thời từ các bộ ngành, địa phương đối với những vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải. Đó là, chuỗi sản xuất cá tra trải dài tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nên cần có cơ chế chính sách liên tỉnh, có tầm nhìn chung để giúp doanh nghiệp thuận tiện triển khai hoạt động. Cụ thể, công nhận thẻ xanh công nhân liên tỉnh, đơn giản thủ tục và rút ngắn quy trình cấp phép di chuyển, tạo thuận lợi cho lao động trong chuỗi...

Ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng các địa phương cần sớm cho các doanh nghiệp mở cửa trở lại. VASEP mong Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có ý kiến tới các địa phương sớm phê duyệt phương án hoạt động “3 tại chỗ” và xem xét bỏ quy định cách ly 14 ngày đối với lực lượng đi thu hoạch tại các tỉnh bằng việc xét nghiệm PCR.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đưa ra giải pháp, về phía địa phương, An Giang tạo thuận lợi cho công nhân vùng vàng, vùng xanh được vào sản xuất. Tuy nhiên, cần có chính sách, công thức chung tạo liên kết thực hiện thống nhất trong vùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần linh hoạt trong tổ chức sản xuất như chia nhiều dây chuyền, nhiều ca kíp. Đối với tập đoàn lớn, chia công suất tại nhiều nhà máy ở các tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị các địa phương áp dụng đúng quy định đã đề ra về việc phân loại các vùng nguy cơ ngay trên địa bàn từng huyện, làm cơ sở để phục hồi các hoạt động sản xuất một cách an toàn. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết sẽ có lượng vacine bổ sung lớn nên sẽ đỡ khó khăn hơn trong phân bổ vacine cho các địa phương. Bộ NN&PTNT cần sớm có tổng hợp cụ thể về nhu cầu vacine của các doanh nghiệp trong ngành gửi Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 để xem xét phân bổ sớm.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, để tháo gỡ khó khăn, cần thay đổi tư duy “kiểm soát, tuân thủ” bằng tư duy địa phương và doanh nghiệp cùng thống nhất, kiến tạo không gian an toàn vừa sản xuất vừa chống dịch.