Có bốn trường hợp bị thu hồi sổ hộ khẩu giấy

Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Thời gian vừa qua, người dân một số địa phương phản ánh tình trạng thu hồi sổ hộ khẩu khiến họ gặp khó khăn khi thực hiện một số thủ tục hành chính và giao dịch dân sự. Đồng thời đặt ra một số câu hỏi: Vậy việc thu hồi sổ hộ khẩu giấy đã có chủ trương chưa và nếu có thì khi nào đi vào thực hiện chính thức? Việc thu hồi sổ hộ khẩu được áp dụng với tất cả các hộ gia đình hay tùy từng trường hợp? Khi sổ hộ khẩu bị thu hồi thì người dân căn cứ vào đâu để xác nhận thông tin cư trú khi giao dịch hành chính?

Trả lời những câu hỏi nêu trên, Bộ Công an nêu rõ: Theo quy định tại Điều 38 Luật Cư trú thì: “Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.”

so-1663901666.jpg
Sổ hộ khẩu có giá trị đến hết ngày 31/12/ 2022. (Ảnh: Internet)

Việc thu hồi sổ hộ khẩu được thực hiện từ ngày 01/7/2021 khi Luật Cư trú có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, Bộ Công an không có chủ trương thu hồi sổ hộ khẩu hàng loạt, mà chỉ thực hiện thu hồi khi công dân đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu đã cấp. Từ đó, cảnh sát quản lý hành chính sẽ cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thu hồi sổ.

Cũng theo Bộ Công an, công dân bị thu hồi sổ hộ khẩu trong 4 trường hợp gồm: Đăng ký thường trú; điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú; tách hộ; xóa đăng ký thường trú.

Như vậy, việc hộ gia đình hay thành viên trong hộ thực hiện một trong 4 thủ tục hành chính nêu trên, đều làm thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, dẫn đến thông tin trong sổ hộ khẩu khác thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú. Do đó, các trường hợp này đều phải thu hồi sổ hộ khẩu.

Theo Điều 17 Thông tư số 55/2021 của Bộ Công an, sau khi bị thu hồi số hộ khẩu, công dân muốn xác nhận thông tin về cư trú có thể trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước mà không phụ thuộc vào nơi cư trú của người đó.

Ngoài ra, người dân có thể gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an hay Cổng dịch vụ công quản lý cư trú. Nội dung xác nhận thông tin về cư trú bao gồm thời gian, địa điểm, hình thức đăng ký cư trú.

Ngày 22/8, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an đã có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đề nghị triển khai một số nội dung của Luật Cư trú. Trong đó có nội dung sử dụng thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu để thay thế cho việc xuất trình sổ hộ khẩu trong một số giao dịch dân sự, thủ tục hành chính.

Thông qua công văn trên, Bộ Công an khẳng định người dân có thể dùng căn cước công dân gắn chip điện tử để làm giấy tờ hợp pháp khi xác nhận thông tin về nơi cư trú.

Mới đây nhất, Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 11/9/2022 của Chính phủ nêu rõ việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (đề án 06).

Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu UBND cấp tỉnh rà soát, điều chỉnh ngay để bãi bỏ các quy định về việc yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu để sử dụng căn cước, định danh điện tử, dữ liệu dân cư trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính cho công dân.

Nghị quyết nhấn mạnh cần phải bảo đảm các điều kiện về an ninh an toàn thông tin phục vụ kết nối, sử dụng dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho việc yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, hoàn thành trong tháng 10/2022.

Mai An