Chung xu hướng giảm, sau Tết giá gạo Việt Nam về mức thấp nhất trong 29 tháng

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 404 USD/tấn, mức thấp nhất trong 29 tháng (kể từ đầu tháng 9/2022), so với 417 USD/tấn hai tuần trước. Tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 19 tháng do đà tăng của nguồn cung và sự sụt giảm của đồng rupee.

Thị trường lúa gạo trở lại sau Tết Nguyên đán không có nhiều biến động so với trước Tết, thị trường giao dịch trầm lắng. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu đã giảm về sát 400 USD/tấn, mức thấp nhất trong 29 tháng.

gia-gao-giam-manh-sau-tet-2-1739111207.jpg
Thị trường lúa gạo trở lại sau Tết Nguyên đán không có nhiều biến động so với trước Tết, thị trường giao dịch trầm lắng.(Ảnh minh họa)

Giá gạo của Việt Nam giảm mức thấp nhất trong 29 tháng

Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá một số loại lúa được thương lái thu mua như: IR 50404 từ 5.400-5.500 đồng/kg; OM 5451 từ 5.800-6.000 đồng/kg, Đài thơm 8 (tươi) và OM 18 (tươi) dao động từ 6.600-6.800 đồng/kg…

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 16.000-17.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000-22.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000-20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 21.500 đồng/kg; gạo Hương Lài 22.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; gạo Sóc thường dao động ở mốc 18.000 đồng/kg; gạo Sóc Thái giá 21.000 đồng/kg; gạo Nhật giá 22.000 đồng/kg…

Gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 7.700-7.800 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 từ 9.500-9.700 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 380 từ 7.300-7.400 đồng/kg, gạo thành phẩm OM 380 dao động ở 8.800-9.000 đồng/kg.

Ghi nhận tại nhiều địa phương vào cuối tuần, nguồn có ít, giao dịch lúa mới vẫn chậm. Tại Bạc Liêu, lúa Thu Đông cuối vụ còn lượng ít, một số nông dân chào bán lúa Japonica sắp cắt giá cao. Tại An Giang, nông dân chào bán lượng khá, tập trung tại Tri Tôn, Thoại Sơn, lúa thơm giao dịch nhiều hơn các loại khác.

Tại Kiên Giang, nhu cầu mua lúa vẫn chậm, giá lúa chào ổn định. Tại Cần Thơ, nhu cầu mua lúa thơm chậm, chủ yếu chào bán lúa 1 tuần cắt trở lại. Tại Long An, nông dân chào vững giá, nhu cầu hỏi mua khá lúa gần ngày cắt, lúa xa ngày giao dịch ít.

Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm các loại dao động trong khoảng từ 5.200-7.300 đồng/kg. Giá tấm thơm ở mức 7.100-7.300 đồng/kg; giá cám khô ở mức 5.200-5.300 đồng/kg.

Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 404 USD/tấn, mức thấp nhất trong 29 tháng (kể từ đầu tháng 9/2022), so với 417 USD/tấn hai tuần trước.

gia-gao-giam-manh-sau-tet-3-1739111184.jpg
Ghi nhận tại nhiều địa phương, nguồn có ít, giao dịch lúa mới vẫn chậm.(Ảnh minh họa)

Bộ Công Thương Việt Nam cho biết giá gạo giảm trong tuần qua là do nhu cầu từ Indonesia và Philippines giảm, cùng với việc Ấn Độ nối lại xuất khẩu gạo.

Trong khi đó, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức 436-442 USD/tấn, không đổi so với tuần trước. Giá gạo Ấn Độ duy trì gần mức thấp nhất trong 17 tháng do nhu cầu cải thiện và đồng rupee suy yếu. Giá gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 440-449 USD/tấn.

Thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung nâng cao chất lượng gạo và xây dựng thương hiệu gạo khá tốt, từ đó đã tìm kiếm được những thị trường truyền thống như Indonesia, Philippines... Tuy nhiên, ở giai đoạn này, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng và Bộ Tài chính cũng cần hoàn thuế xuất khẩu sớm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Với vai trò quản lý nhà nước, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp xúc tiến xuất khẩu gạo để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.

Thông tin thêm về vấn đề xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ, đầu năm 2025, Chính phủ có Nghị định số 01 là nghị định đầu tiên của năm 2025, là sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo.

"Trong đó, Chính phủ đã đề ra các giải pháp quản lý rõ ràng, mạch lạc hơn về tình hình xuất khẩu gạo nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Đồng thời điều tiết giá gạo, đảm bảo chất lượng gạo, đặc biệt là xây dựng thương hiệu gạo. Đây là các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo thời gian tới", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.

Giá gạo thế giới biến động theo hướng giảm sâu

Trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 19 tháng do đà tăng của nguồn cung và sự sụt giảm của đồng rupee.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức từ 418-428 USD/tấn, giảm so với mức từ 429-435 USD/tấn của tuần trước. Giá gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ giao dịch ở mức từ 395-405 USD/tấn trong tuần này.

Ông Himanshu Agarwal, Giám đốc điều hành công ty xuất khẩu gạo Satyam Balajee, cho biết người mua quan tâm đến việc mua hàng nhưng lo ngại về sự sụt giảm mạnh của giá cả và đang chờ giá ổn định gần mức đáy. Tính đến đầu tháng Một, tồn kho gạo của Ấn Độ đạt mức cao kỷ lục 60,9 triệu tấn, gấp tám lần mục tiêu của chính phủ.

Trong khi đó, đồng rupee đã chạm mức thấp kỷ lục mới trong phiên 6/2 giúp tăng biên lợi nhuận cho các nhà giao dịch xuất khẩu ra nước ngoài.

gia-gao-giam-manh-sau-tet-1-1739111383.jpg
Giá gạo Ấn Độ duy trì gần mức thấp nhất trong 17 tháng do nhu cầu cải thiện và đồng rupee suy yếu. (Ảnh minh họa)

Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm trong tuần này giảm xuống còn từ 415-420 USD/tấn so với mức từ 450-455 USD/tấn của tuần trước. Một thương nhân ở Bangkok cho biết sự sụt giảm này là do giá nội địa giảm và đồng baht tăng giá.

Nhận định về xu hướng giá gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, hoạt động giao dịch vẫn còn yếu sau kỳ nghỉ lễ. Nhu cầu trầm lắng do những quốc gia thu mua như Indonesia và Philippines trì hoãn việc mua hàng. Với vụ mùa sắp tới của Việt Nam và Thái Lan, khách hàng đang trì hoãn quyết định để theo dõi xu hướng giá.

Các quan chức cho biết Bangladesh đang xem xét dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo thơm để tăng doanh thu và đáp ứng các yêu cầu liên tục từ cộng đồng doanh nghiệp nhằm kích thích thương mại và tăng thu nhập xuất khẩu./.

PV