Chính thức phát động Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng

Sáng ngày 25/9, Tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) tổ chức Lễ phát động “Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp - công trình xây dựng năm 2024; Giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2024”.
461111469-8131985810182620-3870601317611789000-n-1727248210.jpg
Lễ phát động “Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp - công trình xây dựng năm 2024; Giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2024”.

Ngành công nghiệp chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Các khảo sát thực tế cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp tai Việt Nam được đánh giá vào khoảng từ 20 - 30%.

Thống kê của Bộ Công Thương, thực hiện Chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc từ ngày 1/7/2013, đã có trên 90% thiết bị gia dụng có dán nhãn năng lượng. Chương trình đã loại bỏ tiêu thụ bóng đèn sợi đốt, nâng hiệu suất năng lượng đối với 06 loại sản phẩm sử dụng nhiều năng lượng (Máy biến áp, điều hoà không khí, nồi cơm điện, quạt điện, đèn huỳnh quang ống, CFL).

Còn đối với các công trình xây dựng tại Việt Nam, với tỷ lệ gia tăng diện tích sàn đưa vào sử dụng hàng năm là trên 40% thì tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng tại Việt Nam ước tính từ 30 - 35%.

Những con số trên cho thấy dư địa tiết kiệm năng lượng trong các lĩnh vực vẫn còn rất tiềm năng. Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cả nước có 3.068 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 TOE (tấn dầu quy đổi) tương đương 6 triệu kWh điện/năm trở lên. Các doanh nghiệp này có mức tiêu thụ điện bình quân là 80 tỷ kWh/năm. Nếu các cơ sở này chỉ cần tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm (theo Chỉ thị  số  20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 – 2025, hàng năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh điện (tương đương tiết kiệm chi phí tiền điện được hơn 3.200 tỷ đồng).

460921864-8131985413515993-8374181125126517002-n-1727248210.jpg
Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Nguyễn Thị Lâm Giang phát biểu tại Lễ phát động giải thưởng.

Nhằm ghi nhận, tôn vinh những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, những công trình xây dựng tiêu biểu trong việc thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện giải pháp quản lý và công nghệ tiên tiến nhằm đưa ra thị trường các sản phẩm có tính năng kỹ thuật vượt trội, hiệu suất năng lượng cao, tiết kiệm năng lượng.

Từ năm 2017, Bộ Công Thương phối hợp Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam đã tổ chức Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp. Các giải thưởng Hiệu quả năng lượng được tổ chức thường niên Các giải thưởng kỳ vọng đóng góp cho mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 8 - 10% trong giai đoạn từ 2019 đến năm 2030 của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030.

Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng sau 3 năm triển khai đã thu hút 103 đơn vị cùng gần 800 giải pháp tiết kiết kiệm năng lượng. 54 công trình thuộc hạng mục công trình xây dựng mới và công trình cải tạo đáp ứng các tiêu chí của giải thưởng đã được tôn vinh và trao chứng nhận.

Năm 2024 là năm thứ tư liên tiếp Giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất được tổ chức. Thời gian nhận hồ sơ tham gia các giải thưởng bắt đầu từ ngày 25/9/2024 đến hết ngày 15/11/2024. Sau khi thời gian nhận hồ sơ kết thúc, Hội đồng kỹ thuật giải thưởng sẽ tiến hành đánh giá và lựa chọn các công trình, sản phẩm, doanh nghiệp đạt tiêu chí xét tặng giải thưởng. Ban tổ chức sẽ nhận hồ sơ theo cả 2 hình thức là bản giấy và bản điện tử; và tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong quá trình gửi hồ sơ tham dự giải thưởng. Dự kiến công bố và trao giải vào tháng 12/2024./.

Hương Lan