Khí methane gây hại cho khí hậu gấp 25 lần so với CO2 trong khoảng thời gian 100 năm và là nguyên nhân gây ra 10% "đóng góp" của Mỹ đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Theo Nhà Trắng, thông qua việc giải quyết phát thải khí methane, thúc đẩy đổi mới và hỗ trợ nông nghiệp bền vững, Tổng thống Biden đang công bố những bước đi táo bạo sẽ thúc đẩy nền kinh tế năng lượng sạch của Mỹ và tạo ra những công việc được trả lương cao. Các hành động quản lý nhằm giải quyết vấn đề phát thải khí methane chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dầu khí - lĩnh vực chịu trách nhiệm cho 30% lượng khí thải methane của quốc gia này. Trong khi đó, ngành nông nghiệp - ngành "đóng góp" lớn nhất trong vấn đề phát thải trên được nhắm mục tiêu thông qua các hành động tự nguyện.
Một phần chính của kế hoạch trên là các quy định đã được Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) chờ đợi từ lâu về sản xuất dầu khí. EPA sẽ đề xuất mở rộng và tăng cường các quy định hiện hành về các cơ sở dầu khí mới, yêu cầu các bang xây dựng kế hoạch giảm phát thải từ các cơ sở hiện có trên cả nước. Theo Nhà Trắng, các quy tắc EPA đề xuất sẽ cắt giảm lượng khí thải methane từ các nguồn ô nhiễm bị ảnh hưởng khoảng 75%.
Một báo cáo của Nhà Trắng cũng đưa ra một đề xuất bổ sung dự kiến vào năm tới có thể điều chỉnh khí methane từ các giếng dầu khí bị bỏ hoang cũng như các nguồn bổ sung không được kiểm soát. Báo cáo của Nhà Trắng cũng cho biết Bộ Nội vụ sẽ cố gắng ngăn chặn việc thải hoặc đốt khí thừa bằng cách đề xuất một quy định yêu cầu các thợ khoan dầu khí phải trả phí cho chính phủ đối với những gì đã giải phóng hoặc đốt cháy.
Chính quyền Tổng thống Biden cũng cho biết sẽ thực hiện luật lưỡng đảng yêu cầu các nhà điều hành đường ống cắt giảm rò rỉ khí methane. Trong đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ theo đuổi việc áp dụng các cách thay thế để quản lý nhằm cắt giảm lượng khí thải, mở rộng năng lượng tái tạo được tạo ra ở các trang trại và tăng cường đầu tư vào các đổi mới để xử lý khí methane.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trước đó đã khởi động một sáng kiến toàn cầu nhằm cắt giảm 30% lượng khí thải methane trên thế giới, 50% vào năm 2030, trong đó hơn 90 chính phủ đã tham gia cam kết. Những người ủng hộ giải quyết phát thải khí methane đã lập luận rằng những sáng kiến trên có thể là một cách nhanh chóng để giảm bớt sự nóng lên toàn cầu, vì khí methane mạnh hơn CO2 nhưng tồn tại ít thời gian hơn trong khí quyển. Một kế hoạch bảo tồn rừng cũng được thúc đẩy nhằm chấm dứt tình trạng mất rừng tự nhiên vào năm 2030 và khôi phục đất rừng./.