Mới đây, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã tổ chức công bố các tuyến du lịch đi bộ trong rừng (trekking tour) tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Chinh phục những đỉnh núi hùng vĩ, khám phá bản sắc văn hóa xứ Thanh, du khách sẽ có cơ hội hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, chiêm ngưỡng những cánh rừng bạt ngàn, những dòng suối trong vắt và lắng nghe tiếng chim hót. Mỗi bước chân trên những con đường mòn ngoằn ngèo đều là một trải nghiệm đáng nhớ, giúp con người thư giãn và tìm lại cân bằng.
Được thiên nhiên ưu ái ban tặng những cảnh đẹp, núi non hùng vĩ, cùng với nhiều nét văn hóa của cộng đồng dân tộc ở đây lưu giữ, miền núi xứ Thanh có thế mạnh để phát triển, khai thác du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái cộng đồng. Đến đây, du khách sẽ được hòa mình vào nhiên tuyệt đẹp với những cánh rừng nguyên sinh xanh ngát, những dòng suối chảy róc rách, và những thác nước hùng vĩ đổ xuống từ trên cao.
Bên cạnh đó, miền núi Thanh Hóa còn là ngôi nhà chung của nhiều dân tộc thiểu số, nơi lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc, những lễ hội truyền thống độc đáo và những câu chuyện cổ tích huyền bí. Du khách có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm thú vị như cùng bà con lên nương rẫy, khám phá các hang động bí ẩn, thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương, hoặc ngồi bên bếp lửa, lắng nghe những câu chuyện cổ tích.
Nhằm phát triển du lịch bền vững và bảo tồn văn hóa bản địa, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã triển khai các tuyến trekking mới. Việc xây dựng loại hình du lịch trekking tour là cố gắng, nỗ lực của tỉnh nhằm phát triển du lịch Thanh Hóa phát triển theo “Hương sắc bốn mùa”. Qua đó, mang đến những trải nghiệm mới lạ cho du khách, góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Theo đó, Sở VH-TT&DL đã công bố và đưa vào vận hành 12 tuyến trekking trên địa bàn các huyện Bá Thước, Quan Hoá, Thường Xuân. Với độ khó và thời gian trekking khác nhau, từ những cung đường ngắn ngày phù hợp cho người mới bắt đầu đến những hành trình dài ngày dành cho những nhà thám hiểm, chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu của mọi đối tượng du khách.
Trong đó, có 4 tuyến trên địa bàn huyện Bá Thước, gồm: Tuyến trekking đỉnh Pù Luông (1.700m); Tuyến trekking mạo hiểm hòn Con Sói; Tuyến trekking đỉnh Pù Luông - Hòn Con Sói; Tuyến trekking cung đường di sản Pù Luông (Tuyến liên huyện Bá Thước - Quan Hóa).
Huyện Quan Hóa gồm 3 tuyến: Tuyến trekking đỉnh Pù Hu (1.440m); Tuyến trekking cây di sản chò xanh; Tuyến trekking đỉnh Pù Hu - Cây di sản chò xanh.
Huyện Thường Xuân gồm 5 tuyến: Tuyến trekking đỉnh Pù Gió (1.600m); Tuyến trekking thăm cây di sản pơ mu, sa mu; Tuyến trekking ngắm voọc xám và vượn đen má trắng; Tuyến trekking ngắm voọc xám, vượn đen mà trắng và thăm cây di sản pơ mu, sa mu; Tuyến trekking đỉnh Pù Xèo - Thác 7 tầng - Di tích lịch sử Hội thề Lũng Nhai.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo của Sở VH - TT&DL và các huyện Bá Thước, Quan Hóa, Thường Xuân trong việc phát triển các tuyến du lịch trekking tại khu vực miền núi, đồng thời khẳng định đây là một hướng đi đúng đắn để khai thác tiềm năng du lịch của địa phương.
Để phát triển loại hình du lịch này một cách bền vững, Phó Chủ tịch đề nghị Sở VH-TT&DL tiếp tục khảo sát, thiết kế và xây dựng thêm nhiều tuyến trekking mới, đảm bảo tính đa dạng, hấp dẫn và an toàn tuyệt đối cho du khách. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung vào việc quảng bá, xúc tiến và liên kết các tour, tuyến du lịch trekking, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, trang bị đầy đủ kỹ năng cần thiết để đảm bảo an toàn cho du khách.
Các địa phương và đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ để quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng và đảm bảo an toàn cho du khách. Việc tuyên truyền về bảo vệ môi trường và ý thức du lịch cũng cần được đặc biệt chú trọng./.