Tham dự Hội thảo có PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; TS Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Bùi Huyền Mai, Thành ủy viên, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; cùng các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, đại biểu các sở, ngành, quận, huyện thành phố Hà Nội.
Cần có những giải pháp với một mô hình phù hợp
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hoá, phát triển Thủ đô “xanh, thông minh, hiện đại” là hướng đi đúng đắn, tất yếu cho sự phát triển bền vững không chỉ của Hà Nội mà của nhiều thành phố khác trên thế giới.
Trong những năm qua, Hà Nội đã hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh, sở hữu những cơ hội lớn để phát triển đô thị xanh, bền vững, vận hành hiệu quả bằng công nghệ và hài hòa với môi trường. Theo đó, thành phố có những bước tiến trong quản lý, tạo nền tảng vững chắc; phát triển và hoàn thiện chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền thông minh thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước; tạo đột phá trong cải cách hành chính, tăng tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức khi thực hiện thủ tục, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập.
Năm 2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Hà Nội đạt 100%, là địa phương dẫn đầu cả nước. Thành phố đã tích hợp 444 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo lộ trình của Chính phủ. Hiện thành phố đang tiếp tục yêu cầu rà soát và đề xuất các thủ tục hành chính đáp ứng đủ yêu cầu điều kiện cung cấp dịch vụ công mức độ 4 đạt tỷ lệ 100% trong năm 2021.
Hà Nội triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, sẵn sàng khai thác các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương từ năm 2020. Hiện tại, Hà Nội bắt đầu thiết lập một hệ thống công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ, thống nhất sử dụng chung trên toàn thành phố; tập trung ưu tiên triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành tích hợp thành hệ thống dữ liệu lớn bảo đảm kết nối chia sẻ dữ liệu với các CSDL quốc gia theo quy định.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Hà Nội đã tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ vào giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị, tạo các thành tố vững chắc xây dựng thành phố thông minh, nhất là trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, việc triển khai hướng đi trên lại theo những cách thức khác nhau tùy thuộc vào nguồn lực, chính sách, mục tiêu và phạm vi cụ thể của mỗi thành phố. Mặt khác, đô thị xanh, thông minh ở Hà Nội dù có tiệm cận với tiêu chí chung của đô thị thông minh hiện đại trên thế giới vẫn cần phải có bản sắc riêng, đặc trưng riêng của Hà Nội, phản ánh đậm nét văn hóa của Thủ đô văn hiến, anh hùng, Thành phố vì hòa bình.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cũng đã thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, Hà Nội còn những tồn tại, hạn chế và thách thức. Đó là công tác cải cách hành chính còn có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Thủ đô. Nguồn nhân lực chất lượng cao đủ năng lực đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vẫn còn thiếu; cơ sở vật chất phục vụ giáo dục và đào tạo ở những khu vực mật độ dân số cao, đô thị hóa nhanh còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ngoài ra, quy mô, mật độ và tốc độ gia tăng dân số đô thị của thành phố diễn ra nhanh gây ra những áp lực không nhỏ trong giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và quản lý quy hoạch, quản lý dân cư, quản lý đất đai. Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được so với tốc độ đô thị hóa. Nhiều vấn đề đặt ra trong giải quyết ô nhiễm môi trường, từ chất lượng không khí, nước sạch đến kiểm soát và xử lý nước thải, kiểm soát ô nhiễm làng nghề chưa đạt được mục tiêu đặt ra... Vì vậy, đối diện với những hạn chế, thách thức trên, Hà Nội cần có những giải pháp với một mô hình phù hợp, bảo đảm lộ trình đặt ra cho giai đoạn 2021 - 2025”.
“Hội thảo hôm nay là một dịp quan trọng để Thành phố, Tạp chí Cộng sản và các chuyên gia, các nhà khoa học thảo luận, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển Hà Nội theo hướng “xanh - thông minh - hiện đại”; nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị; đề xuất nội dung, phương thức, giải pháp giải quyết những thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị, nhất là sự gia tăng về dân số cơ học, bảo đảm tính bền vững của quá trình phát triển đô thị nhằm xây dựng Hà Nội theo hướng đô thị xanh, thông minh và hiện đại” - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà quản lý, nhà khoa học đã cùng tập trung thảo luận, đánh giá những lợi thế, tiềm năng, kết quả đã đạt được trong phát triển đô thị Hà Nội. Làm rõ các mối quan hệ cơ bản trong quản lý phát triển nhanh, bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh và hiện đại nhằm giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong phát triển bền vững, xây dựng và quản lý đô thị đồng bộ.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, trong bối cảnh hiện nay, phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh là giải pháp chiến lược nhằm mục tiêu phát triển bền vững và được nhiều nước trên thế giới thực hiện. TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện các nhóm tiêu chí và các chỉ tiêu về tăng trưởng xanh trên địa bàn như: chỉ tiêu về nước sạch; công trình xanh; diện tích đất cây xanh; đường đô thị sử dụng thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng…
Để xây dựng Thủ đô theo hướng tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2025, Thành phố cần tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch, tạo tiền đề cho công tác quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng. Quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; chú trọng tạo lập, gìn giữ và bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Chủ động phòng, chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ, ứng phó biến đổi khí hậu, tạo lập môi trường sống an toàn, văn minh, hiệu quả…
Theo PGS.TS Lưu Đức Cường, Viện trưởng Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, Bộ Xây dựng, để phát triển Thủ đô Hà Nội thông minh cần thực hiện 05 giải pháp trong giai đoạn hiện nay, gồm: quy hoạch không gian đô thị thông minh; quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật; quy hoạch phát triển hạ tầng thông tin; phát triển tiện ích thông minh; quản trị đô thị thông minh. Để làm được điều đó, quá trình phát triển đô thị Hà Nội cần tích hợp các giải pháp phát triển thông minh ngay từ công tác quy hoạch đô thị, bảo đảm các mục tiêu phát triển đô thị được bền vững…
Đề cập đến vai trò của tầng lớp trung lưu (TLTL) trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại, GS.TS Trịnh Duy Luân, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: quá trình “Trung lưu hóa" xã hội sẽ có tác động tích cực trở lại đến các quá trình phát triển chung của thành phố Thủ đô trong những thập niên tới. Vì vậy, cần nhận diện và đánh giá đúng vị thế vai trò của TLTL trong đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa của thành phố Thủ đô.
Từ đó, có các chính sách tạo điều kiện, tạo môi trường thể chế, không gian hoạt động kinh tế của họ các như lĩnh vực như đầu tư, phân bố các nguồn lực, vốn xã hội, sân chơi công bằng... Đặc biệt, về văn hóa, cần cổ vũ các thành viên TLTL tiếp tục phát triển hai hòa các giá trị truyền thống và hiện đại, gắn kết nhiều hơn với cộng đồng và xã hội.
Giúp họ hình thành mô hình văn hóa ứng xử, lối sống hiện đại, điển hình với các đặc trưng: năng động, hiệu quả; tính tích cực xã hội, trách nhiệm công dân cao, kết nối cộng đồng; tự ý thức về vị thế xã hội của mình. Từ đó, TLTL đô thị có thể đóng góp tương xứng với vị thế và vai trò của mình vào quá trình xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội sớm trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, ngang tầm các đô thị khu vực và quốc tế - toàn cầu.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS. TS Đoàn Minh Huấn cho biết, các đại biểu đã được nghe 7 tham luận trực tiếp, cùng với đó, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 73 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đề xuất nhiều nội dung quan trọng về việc xây dựng và phát triển Thủ đô trong tương lai. Với định hướng phát triển đô thị xanh, thông minh và hiện đại sẽ là các nhân tố chủ lực để Hà Nội tiếp tục vươn mình lên tầm khu vực và thế giới.
Nhiều tham luận tại Hội thảo cũng đã nhận diện, phân tích những khó khăn, bất cập đã và đang đặt ra cho Hà Nội, giải đáp nhiều câu hỏi như: Công nghệ, chính sách, con người và quản trị, đâu là chìa khoá mấu chốt tháo gỡ những điểm nghẽn hay phải được đồng thời coi trọng sử dụng triệt để tạo hiệu ứng và giải pháp cộng hưởng khơi thông tiềm năng, tạo ra cú huých phát triển, giải quyết những thách thức, khó khăn? Muốn xây dựng và phát triển đô thị Hà Nội thông minh, xanh và hiện đại cần có những điều kiện cụ thể gì về nguồn lực ?... PGS. TS Đoàn Minh Huấn cho biết thêm, các tham luận, ý kiến gửi tới Hội thảo sẽ được Ban tổ chức chắt lọc để trở thành tư liệu quý phục vụ quá trình định hướng, phát triển đô thị của Thủ đô trong thời gian tới./.