Chỉ thí điểm đấu giá với biển số nền trắng, áp dụng với ô tô trên toàn quốc

Đại tá Đỗ Thanh Bình cho rằng, quan điểm của Bộ Công an là không có biển số xấu, biển số đẹp mà chỉ có biển số theo nhu cầu, giá của biển số sẽ do thị trường định giá.

Chiều 30/6, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Giá của biển số sẽ do thị trường định giá

Đại diện cho cơ quan soạn thảo, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết hiện nay, theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, biển số xe được coi là tài sản, là cơ sở pháp lý quan trọng làm tiền đề cho việc nghiên cứu, thực hiện công tác cấp biển số xe thông qua đấu giá.

7a3a6f5e164e47a6041f310bc6d69c6d-1656638539.png
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì cuộc họp.

Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá phải giải quyết sửa đổi đồng bộ một số vấn đề quy định tại các Luật chuyên ngành gồm: Luật Quản lý tài sản công; Luật Giao thông đường bộ; Luật Đấu giá tài sản; Luật Ngân sách nhà nước. Với mong muốn sớm triển khai thực hiện, Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định thí điểm vấn đề này.

Theo dự thảo Nghị quyết, biển số ô tô đưa ra đấu giá là biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký mà cơ quan Công an dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm; các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đấu giá có thể tùy chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá để tham gia đấu giá.

Cơ quan Công an sẽ đăng công khai kho số đấu giá tại nơi đăng ký trên Trang thông tin đấu giá trực tuyến và trên trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông để người dân biết. Trường hợp các biển số qua kỳ đấu giá không thành thì hệ thống sẽ tự động chuyển về kho số không đấu giá để cấp theo hình thức ngẫu nhiên trên hệ thống đăng ký, quản lý xe cho người dân.

Cũng theo dự thảo Nghị quyết, người trúng đấu giá được sử dụng biển số trúng đấu giá, khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu được chuyển nhượng (bán, cho tặng, thừa kế) biển số trúng đấu giá theo xe nhưng người được chuyển nhượng xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác.

0cbb134e1471a39d7a2b6ad418af9ced-1656638555.jpg
Trong giai đoạn thí điểm, chỉ áp dụng với biển số nền trắng, chữ và số màu đen, áp dụng với xe ô tô trên toàn quốc (ảnh VGP)

Về nghĩa vụ, người trúng đấu giá không được phép chuyển nhượng biển số trúng đấu giá (trừ trường hợp chuyển nhượng biển số trúng đấu giá theo xe).

Giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá dự kiến được quy định theo vùng. Vùng 1 gồm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 40 triệu đồng/biển số; vùng 2 gồm các địa phương còn lại là 20 triệu đồng/biển số. Theo Đại tá Bình, mức giá khởi điểm này chiếm khoảng 3-4% giá trị của xe.

Số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương...

Đại tá Đỗ Thanh Bình cho rằng, quan điểm của Bộ Công an là không có biển số xấu, biển số đẹp mà chỉ có biển số theo nhu cầu, giá của biển số sẽ do thị trường định giá. Trước mắt, không đưa ra đấu giá đối với biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách Nhà nước, xe của Quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp Quân đội làm kinh tế, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.