Hành vi nào bị nghiêm cấm trong đấu thầu?
Mục đích chính của đấu thầu là nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tránh thất thoát ngân sách nhà nước, tìm ra đơn vị có đủ tiêu chuẩn về năng lực, kinh nghiệm để triển khai gói thầu…
Nhằm hạn chế tiêu cực trong đấu thầu, Luật đấu thầu 2013 của Quốc hội đã liệt kê hàng loạt hành vi bị cấm. Trong đó có các hành vi như: Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế.
- Hội đồng Khoa học Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nam kiểm tra, đánh giá và nghiệm thu các dự án thuộc lĩnh vực Chi cục Chăn nuôi & Thú y thực hiện năm 2022
- Bộ NN và PTNT: Tăng cường công tác quản lý buôn bán, sử dụng thuốc thú y, thuỷ sản trong nuôi trồng thuỷ sản
- Bộ NN&PTNN: Bổ sung danh mục thuốc thú y có chứa chất cấm
Nội dung trên cũng được nêu rõ tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu.
Nghị định 63 đồng thời quy định trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì được nêu nhãn hiệu, catalô của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalô đồng thời phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu có) để tạo thuận lợi cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu.
Về Giấy phép bán hàng, Nghị định 63 cũng nêu rõ: “Chỉ yêu cầu nhà thầu nộp Giấy phép hoặc Giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất hoặc Giấy chứng nhận quan hệ đối tác trong trường hợp hàng hóa là đặc thù, phức tạp cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế”.
Ngoài ra, Điều 27, Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT cũng nêu ra các nội dung cụ thể như trên.
Những điểm cần làm rõ
Quy định pháp luật đã rõ, tuy nhiên, tại Gói thầu mua sắm thuốc diệt ruồi tại Chi cục Chăn nuôi và Thú Y Hà Nội lại xuất hiện một số tình huống có thể gây tranh cãi.
Theo Quyết định số 158/QĐ-CNTY ngày 9/3/2023 về việc Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu mua thuốc diệt ruồi tại các chợ, khu chăn nuôi, bãi rác. Thuộc nghiệp vụ: Kinh phí diệt ruồi tại các chợ, khu chăn nuôi, bãi rác do ông Nguyễn Đình Đảng Chi Cục trưởng ký. Đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần Đầu tư Liên doanh Việt Anh với giá 5.580.000.000 đồng.
Theo Hồ sơ mời thầu (HSMT), Gói thầu mua thuốc diệt ruồi tại các chợ, khu chăn nuôi, bãi rác. Thuộc nghiệp vụ: Kinh phí diệt ruồi tại các chợ, khu chăn nuôi, bãi rác. Bên mời thầu đưa ra các yêu cầu về “Giấy phép hoặc Giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất, đại lý phân phối hoặc Giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương.
Trường hợp nhà thầu không tự sản xuất hoặc chế tạo hàng hóa được chào trong E-HSDT của mình thì nhà thầu phải nộp Giấy phép hoặc Giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất, đại lý phân phối hoặc Giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương nhằm chứng minh nhà thầu được ủy quyền hợp lệ của nhà sản xuất, đại lý phân phối để cung cấp hàng hóa đó ở Việt Nam".
Ngoài ra, tại Chương III: Tiêu chuẩn đánh giá Hồ sơ dự thầu, bên mời thầu cũng đưa ra tiêu chí: Nhà thầu phải có catalog của sản phẩm kèm các tài kiệu chứng minh mới được coi là hợp lệ.
Về yêu cầu kỹ thuật, bên mời thầu đưa ra yêu cầu: Trong 1 Lít dung dịch thuốc chứa: Deltamethrin: 20 g trở lên. Dung môi, tá dược vừa đủ. Dạng bào chế: Dung dịch sát trùng...
Theo Báo cáo đánh giá E-HSDT ngày 7/3/2023 cho thấy, có 2 đơn vị tham gia đấu gói thầu này là Công ty Cổ phần Đầu tư Liên doanh Việt Anh và Công ty Cổ phần Dược và Vật tư Thú Y.
Kết quả đánh giá về kỹ thuật, Công ty Cổ phần Dược và Vật tư Thú Y trượt. Lý do vì Giấy chứng nhận lưu hành thuốc của đơn vị này hết hiệu lực từ ngày 5/12/2022.
Theo thông tin nhà thầu, Giá gói thầu do Chủ đầu tư đưa ra là 7.200.000.000 đồng. Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Liên doanh Việt Anh đưa ra giá dự thầu sau giảm giá là 5.580.000.000 đồng. Công ty Cổ phần Dược và Vật tư Thú Y đưa ra giá 7.156.000.000 đồng.
Kết quả chấm thầu chọn ra Công ty Cổ phần Liên doanh Việt Anh trúng với giá 5.580.000.000 đồng. Sản phẩm trúng thầu là 16.000 lít thuốc diệt ruồi Viatox 300 với hàm lượng/ 1 lít dung dịch là: Deltametin 3g. Piperonyl Butoxide 3g. Dung môi vừa đủ 100ml.
Có thể sẽ có ý kiến cho rằng, việc Công ty Cổ phần Dược và Vật tư Thú Y tham gia đấu thầu giá trị hàng tỷ đồng nhưng lại đưa vào hồ sơ Giấy chứng nhận lưu hành thuốc hết hạn là điều vô lý.
Mặt khác, việc đơn vị trúng thầu - Công ty Cổ phần Liên doanh Việt Anh cũng đồng thời là nhà sản xuất mặt hàng thuốc diệt ruồi Viatox 300. Nếu đưa tiêu chí về giấy phép bán hàng, catalog vào tiêu chí chấm thầu thì những đại lý khác gần như không có cơ hội trúng trong trường hợp nhà sản xuất từ chối cấp Giấy phép bán hàng kèm tài liệu chứng minh.
Ngoài ra, giá sản phẩm trúng thầu cũng cần được làm rõ khi mỗi lít thuốc diệt ruồi Viatox 300 đang được nhà nước mua với giá 348.750 đồng. Trong khi đó, qua khảo sát giá, PV được một Đại lý tại Ba Vì, Hà Nội của Công ty Cổ phần Liên doanh Việt Anh báo giá bán sản phẩm Viatox 300 với khối lượng 1000 lít là 301.000 đồng/ lít. Nếu mua với khối lượng lớn hơn thì có thể đàm phán giá giảm thêm.
Với chênh lệch như trên, nhà nước có thể phải chịu thiệt số tiền 47.750 đồng/ lít thuốc Viatox 300 – Tương đương số tiền chênh lệch cho cả gói thầu khoảng 763.200.000 đồng.
Chi cục Chăn nuôi và Thú Y Hà Nội lý giải thế nào?
Ông Nguyễn Đình Đảng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú Y Hà Nội cho biết: Ngay từ khâu lập hồ sơ cho đến thẩm định, lựa chọn nhà thầu... Chi cục đều thuê tư vấn độc lập. Tất cả nội dung đều công khai, đơn vị nào có đủ năng lực thì tham gia.
Riêng gói thầu này. Đây là hàng hóa có điều kiện – hóa chất vaccine là hàng hóa có điều kiện. Có nghĩa là nếu không có Giấy phép lưu hành thì không được tham gia đấu thầu, không được công nhận. Cho nên đương nhiên hồ sơ yêu cầu giấy phép. Phải lường theo đối tượng. Nếu nhà sản xuất thì phải có phép. Còn nhà thương mại nếu không có phép sản xuất thì lại phải có giấy ủy quyền, đại lý thì đương nhiên mới được tham gia. Nhưng trong hồ sơ dự thầu chưa có văn bản đó (Giấy phép bán hàng – PV) thì chưa phải là lý do để loại.
“Ví dụ: Anh đầy đủ tiêu chí với giá tốt nhất thì anh sẽ được phê duyệt ở bước ban đầu. Khi kiểm tra hồ sơ mà anh không trình được giấy tờ đó thì đương nhiên anh không đạt yêu cầu. Vì vậy không thể nói đến việc hạn chế nhà thầu hay không”, Ông Đảng cho biết.
Về giá sản phẩm, ông Nguyễn Đình Đảng cho rằng, nêu câu chuyện về giá là không khách quan. Vì khi đưa hàng hóa ra để chào, bên tư vấn phải tham khảo giá trên thị trường hiện có với những sản phẩm tương đương. Trên cơ sở đó họ mới tư vấn cho Chi cục đưa ra giá nào cho phù hợp. Giá phù hợp đó đưa ra chào thầu. Trên cơ sở giá chào thầu đó, bên nào đáp ứng đầy đủ tiêu chí mà giá thấp nhất thì trúng.
Về tiêu chí thế nào là hàng hóa đặc thù theo quy định của pháp luật về đấu thầu và sản phẩm Viatox 300 có thuộc hàng hóa đặc thù hay không?. Ông Đảng một lần nữa nhấn mạnh. Đây là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, vì vậy bên mời thầu đưa ra các tiêu chí như đã nêu ở HSMT.
Vậy hàng hóa kinh doanh có điều kiện có nghiễm nhiên được coi là đặc thù trong đấu thầu hay không? Văn bản nào quy định về danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện là đặc thù trong đấu thầu? Và sản phẩm Viatox 300 có phải là hàng hóa được bán rộng rãi và đã được tiêu chuẩn hóa hay chưa? Công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mua sắm thuốc diệt ruồi nêu trên có thực sự hiệu quả, tiết kiệm cho nhà nước hay không?... Đây là những câu hỏi còn bỏ ngỏ cần được làm rõ./.