Cây Mướp Đắng chữa bệnh Tiểu Đường và các bệnh Khác

Cây mướp đắng không chỉ là loại thực phẩm quen thuộc của người Việt mà còn có nhiều công dụng như: thanh nhiệt, giải độc, tiêu khát,… chủ trị các bệnh: tiểu đường, cảm cúm, viêm họng, nóng trong người…
cay-muop-dang1-1637325450.jpg
Mướp đắng vừa là thuốc vừa là thực phẩm

Cây mướp đắng, Tên gọi khác: Khổ qua, Hồng cô nương, Cẩm lệ chi, Hồng dương, Lương qua, Lại qua,… Tên khoa học cây mướp đắng: Momordica charantia L; họ: Bầu bí (danh pháp khoa học: Cucurbitaceae)

Đặc điểm hình thái của cây mướp đắng

Cây mướp đắng là cây thân leo có phần thân nhỏ và dài, có chiều cao khoảng 20m và tỏa ra nhiều nhánh xung quanh. Lá cây mướp đắng có nhiều lông nhỏ xung quanh, có hình dáng giống lá bầu, bí, mướp, xẻ thành 5 đến 7 thùy, viền lá có răng cưa và hình trứng. Lá mọc so le nhau, mỗi lá sẽ có cuống dài khoảng 3-5cm. Lá non có màu xanh đậm, khi về già chuyển sang màu vàng.

Hoa mọc từ phần nách của lá. Hoa có màu vàng nhạt, mỗi bông có 5 cánh và chính giữa có nhụy màu vàng đậm hơn. Quả mướp đắng có hình thon dài, bên ngoài sần và nổi những u cục nhỏ. Quả non có màu xanh, khi chín chuyển màu vàng hồng, vị rất đắng. Bên trong quả có chứa nhiều hạt hình dẹt như hạt bí ngô.

Bộ phận dùng của cây mướp đắng - cách thu hái, sơ chế

Rễ, hoa và quả là bộ phận được sử dụng vừa làm thuốc vừa làm thực phẩm. Quả được thu hái vào tháng 5, tháng 7. Rễ cây mướp đắng được thu hái quanh năm. Sau khi được thu hái về, mướp đắng được sử dụng luôn lúc tươi hoặc phơi khô dùng dần. Đối với phần hạt mướp đắng thì chỉ hạt của quả chín, sau đó đem phơi khô.

Cây mướp đắng có tác dụng gì?

Theo Đông y, mướp đắng có tác dụng trừ nhiệt, thanh tâm, chỉ khát, trừ độc khí đơn hỏa, được dùng để chữa trị viêm đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu, trị bệnh tiểu đường, đau mắt đỏ, sốt cao…

Theo y học hiện đại, quả mướp đắng được sử dụng để chế biến rất nhiều món ăn ngon như: mướp đắng xào trứng, canh mướp đắng, mướp đắng nhồi thịt… Quả mướp đắng giúp kích thích ăn uống, tiêu viêm, thoát nhiệt bởi thành phần Alkaloid giúp lợi tiểu lưu thông máu. Ngoài ra thì đây cũng chính là thành phần giúp quả mướp đắng có công dụng phòng chống bệnh ung thư.

Nước cốt của quả mướp đắng tươi có tác dụng hạ đường huyết nên những người mắc tiểu đường chỉ cần dùng điều độ trà mướp đắng hoặc các món ăn từ mướp đắng sẽ rất tốt.

Cây mướp đắng chữa bệnh gì? Các bài thuốc chữa bệnh từ cây mướp đắng

1. Bài thuốc trị đau mắt

Sử dụng quả mướp đắng, đăng tâm. Đem đăng tâm đi sắc lấy nước. Quả mướp đắng rửa sạch, cắt nhỏ, ăn trực tiếp và uống nước sắc đăng tâm.

2. Trị mụn nhọt

Mướp đắng tươi mang đi rửa sạch, nghiền nát, đắp trực tiếp lên da và rửa sạch lại sau 20 phút sẽ giúp trị mụn nhọt rất tốt.

3. Bài thuốc trị rôm sảy ở trẻ nhỏ

Sử dụng một nắm lá mướp đắng. Mang đi rửa sạch, nấu lấy nước tắm 2-3 lần/ngày. Áp dụng liên tục 2-3 ngày sẽ thấy tình trạng rôm sảy của trẻ giảm rõ rệt.

4. Cây mướp đắng trị tăng huyết áp

Chuẩn bị: khổ qua tươi 250g, gừng băm, muối, dầu mè, nước tương, bột nêm và hành hoa mỗi thứ một ít. Mang nguyên liệu đi rửa sạch, khổ qua (mướp đắng) bỏ hạt, trụng nước sôi trong vòng 3 phút. Sau đó thái sợi, trộn đều với các nguyên liệu còn lại và ăn trực tiếp.

5. Bài thuốc điều trị bệnh chàm

Dùng lá mướp đắng tươi, rửa sạch, để ráo rồi mang đi giã nát, đắp lên vùng da bị chàm.

6. Trị trẻ nhỏ bị kiết lỵ

Dùng mật ong, mướp đắng. Mướp đắng rửa sạch, giã lấy nước cốt rồi trộn với mật ong cho trẻ uống 1-2 lần.

7. Trị đại tiện ra máu

200g rễ mướp đắng mang đi rửa sạch, cắt khúc, sắc trong nồi đất. Sắc với nước nhỏ và lấy nước cốt uống hàng ngày cho tới khi khỏi hẳn.

8. Điều trị máu nhiễm mỡ

1 quả mướp đắng, sữa bò 200ml, mật ong 20ml. Bỏ hạt mướp đắng, mang đi rửa sạch sau đó thái nhuyễn. Đổ sữa bò vào mướp đắng và xay nhuyễn. Sau đó thêm mật ong vào, uống 2 lần/ngày vào sáng và chiều.

9. Bài thuốc điều trị cảm cúm

Sử dụng ruột quả mướp đắng, mang đi rửa sạch, sắc vào trong nồi đất bằng lửa lớn. Sau khi sôi thì hạ nhỏ lửa và đun cho tới khi keo lại thành cốt. Sau đó đem bỏ bã, lấy nước uống.

10. Bài thuốc trị chứng nôn ói ở trẻ em

6g rễ khổ qua mang đi đun sôi trong nồi đất, đun nhỏ lửa, bỏ bã và lấy nước cốt uống.

11. Trị bệnh tiểu đường có biến chứng võng mạc

100g ngô và mướp đắng, đường phèn 10g. Rửa sạch ngô và mướp đắng, cắt nhỏ mướp đắng cho vào nồi nấu cùng ngô. Nấu thành chè, khi chín sẽ cho thêm đường vào và ăn 2 lần trong ngày vào sáng, chiều.

12. Trà mướp đắng giải khát và thanh nhiệt

1 - 2 quả mướp đắng tươi. Cắt bỏ hai đầu mướp đắng mang đi rửa sạch, thái thành lát mỏng, sấy khô. Hàng ngày dùng một vài lát mướp đắng khô hãm với nước sôi trong 30 phút và uống.

13. Bài thuốc chữa ho và thanh nhiệt cơ thể

3 quả mướp đắng, 20 quả đại táo. Mướp đắng mang đi rửa sạch, đun lấy nước rồi cho thêm táo vào đun khoảng 10-15 phút.

14. Bài thuốc chữa thấp khớp

Dùng 8g mỗi loại: cây vòi voi sao, dây đau xương sao, Cỏ xước, cối xay, rễ nhàu, cây xấu hổ và lá mướp đắng, mỗi thứ 5g dây thần thông, rễ ngũ trảo, gừng tươi 3g và quế chi 4g. Mang tất cả nguyên liệu đi sắc uống ngày 1 thang.

Những lưu ý khi sử dụng cây mướp đắng?

Người huyết áp thấp nên hạn chế sử dụng mướp đắng. Nếu dùng mướp đắng thì nên thêm chút mật ong vào để tránh hạ huyết áp; Phụ nữ có thai không nên dùng vì có thể gây sảy thai và xuất huyết; Người tỳ vị hư hàn dễ bị đau bụng, thổ tả khi sử dụng quả mướp đắng.

Cây mướp đắng có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Nhưng khi áp dụng các bài thuốc chữa bệnh từ cây mướp đắng, người bệnh nên hỏi thăm kỹ ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng./.