Cây Cúc Áo: Vị Thuốc Quý Trong Dân Gian

Cây Cúc áo là loại cây thường được sử dụng làm rau ăn, ngoài ra còn có công dụng trị cảm sốt, đau đầu, sốt rét, viêm phế quản, ho, nhức xương…
cay-cuc-ao-700x430-1638878089.jpg
Tên thường gọi: Còn gọi là hoa Cúc áo, Nụ áo lớn, Nụ áo vàng, ngổ áo, cỏ the, hạt sắc phong, cúc lác, cỏ nhỏ, hàn phát khát, cuống trầm, phát khát, cresson de Para. Tên khoa học: Spilanthes acmella L. Murr. Thuộc họ Cúc Asteraceae.

Cây Cúc áo là loại cây thân nhỏ, mọc đứng hoặc có khi bò lan trên mặt đất. Cây gồm nhiều cành, cao chừng 0,4-0,6m. Lá Cúc áo hình trứng thon dài, mép có răng cưa. Cụm hoa hình đầu, mọc ở đầu cành, màu nhạt, tràng hoa màu vàng, các hoa ở giữa hình ống. Quả Cúc áo bé dẹp màu nâu nhạt. Mùa hoa tháng 1-5 trở đi.

Cây Cúc áo mọc hoang ở khắp nơi, tại các vùng đất ẩm của Việt Nam. Đặc biệt ở khu vực ven đường, ven bãi sông hay trong rừng đất ẩm, ven suối. Ngoài ra, cây Cúc áo cũng xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới như: Lào, Campuchia, Malaisia, Miến Điện, Philippin, Ấn Độ.

Toàn bộ cây Cúc áo có thể được sử dụng để làm thuốc. Người ta có thể dùng tươi hoặc rửa sạch, phơi khô và bảo quản để dùng dần. Khi thu hái nên lựa chọn hoa lúc có màu xanh vì đây là thời điểm chất lượng dược liệu tốt nhất.

Cây cúc áo chữa bệnh gì?

Bài thuốc phổ biến nhất trong dân gian là sử dụng cụm hoa cúc áo giã nhỏ, ngâm rượu để ngậm khi bị sâu răng, nhức răng. Bài thuốc này có tác dụng giảm đau rất hiệu quả, có thể thay thế thuốc tê khi nhổ răng.

Ngoài ra còn sử dụng cây Cúc áo chữa cảm sốt đau đầu, sốt rét, các bệnh liên quan tới viêm phế quản, ho, hen xuyễn, phong thấp đau nhức xương khớp… Ở Malaisia: dùng lá Cúc áo sắc lên rồi đắp lên đầu để trị nhức đầu, chữa mề đay; Ở Ấn Độ, sử dụng cây này để chữa các bệnh về cổ họng, răng lợi, đau đầu; Tại philipin, sử dụng rễ cúc áo làm thuốc tẩy với liều lượng từ 4 -8g sắc cùng 1 bát nước; Trong nhiều trường hợp, người ta còn có thể sử dụng cây Cúc áo làm thuốc thông tiểu tiện, chữa sỏi thận.

Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây Cúc áo

Trị nhọt độc, ngứa, vết thương do rắn độc cắn, tụ máu sưng tấy: 4 - 8g rễ cây hoặc 4 - 12g toàn thân cây cúc áo dùng để sắc lấy nước uống. Hoặc có thể sử dụng cây tươi để giã đắp lên vết thương hàng ngày.

Chữa cảm sốt, đau đầu, sốt rét, đau ở cuống họng: Sử dụng 4 - 12 g Cúc áo hoa vàng tươi, sắc thành thuốc dùng uống.

Điều trị sốt rét cơn: Dùng hoa Cúc áo 20 g sắc thành thuốc, dùng nước sắc này uống trước khi lên cơn sốt rét.

Chữa đau răng: Dùng hoa Cúc áo tán thành bột nhỏ rồi ngâm với rượu hoặc ngậm tươi, nuốt nước để điều trị.

Chữa phong tê thấp: Sử dụng 4 – 8 g mỗi vị thuốc: rễ cây Cúc áo, rễ Chanh, rễ Xuyên tiêu, rễ Kim cang, quả Màng tàng, sắc thành thuốc, dùng uống.

Chữa nhọt độc, ghẻ lở, rắn cắn, trị vết thương tụ máu, đau mắt: Sử dụng 4 - 12 g toàn cây Cúc áo hoặc có thể sử dụng 4 - 8 g rễ cây sắc thành thuốc, dùng uống. Kết hợp với đắp ở bên ngoài da để tăng tính hiệu quả.

Chữa mề đay mẩn ngứa: Dùng cây Cúc áo nấu nước tắm hàng ngày để hết mẩn ngứa.

Chữa dị ứng thời tiết gây mẩn ngứa: Dùng 200g Cúc áo hoa vàng, rửa sạch rồi đun với 4-5 lít nước. Dùng nước này tắm, chà xát kỹ phần bã lên vết mẩn ngứa.

Chữa cảm lạnh gây viêm họng: Dùng mỗi vị đều 15 g: cây Nút áo, Sài đất, Kim ngân hoa, lá Húng chanh, Cam thảo đất mang đi rửa sạch, sắc nhỏ lửa cùng 750 ml nước đến khi nào cạn còn 300 ml thì chia làm 3 lần dùng uống trong ngày. Sử dụng liên tục trong 7 ngày.

Cây Cúc áo lành tính và dễ sử dụng trong điều trị bệnh. Tuy nhiên người bệnh cũng nên chú ý trong việc kết hợp sử dụng bài thuốc dân gian từ cây Cúc áo với các loại thuốc tây y để tránh những kích ứng không cần thiết. Nên tham khảo ý kiến của thày thuốc điều trị trước khi sử dụng./.