Cần quyết liệt trong phòng chống tác hại thuốc lá và kiểm soát thuốc lá điện tử

Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số lượng nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Thuốc lá điện tử đang xâm nhập và được sử dụng ngày càng nhiều và gia tăng ở nước ta, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, lứa tuổi học sinh.

Thông tin được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại Phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức vào sáng 4/5, tại Nhà Quốc hội.

phong-chong-tac-hai-thuoc-la-02-1714808431.jpg
Toàn cảnh Phiên giải trình Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Quốc hội thể hiện trách nhiệm về phòng, chống tác hại của thuốc lá

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Xã hội là cơ quan đầu tiên của Quốc hội có sáng kiến tổ chức thực hiện việc giám sát thông qua tổ chức các phiên giải trình từ năm 2010. Đến nay, ủy ban này đã tổ chức 17 phiên giải trình.

Các phiên giải trình đã góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; nhiều nội dung của phiên giải trình đã làm cơ sở để đưa vào quy định pháp luật, các quyết sách của Quốc hội nhằm bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội hoan nghênh Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục hôm nay tổ chức Phiên giải trình trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đây chính là thực hiện Nghị quyết số 969 ngày 25/01/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

phong-chong-tac-hai-thuoc-la-01-1714808463.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

“Phiên giải trình không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra các kiến nghị, giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng mà còn thể hiện trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đối với việc phòng ngừa, bảo vệ thanh niên, thiếu niên khỏi các chất gây nghiện, góp phần hoàn thiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đồng thời khẳng định công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu được Đảng, Nhà nước, Quốc hội đặc biệt quan tâm, thể hiện qua các nghị quyết, luật, nghị quyết cũng như chiến lược về vấn đề này.

Công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, kiểm soát và hạn chế thuốc lá nói chung đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong các nhóm đối tượng có xu hướng giảm dần. Công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá, xử lý vi phạm được tăng cường và đạt những kết quả tích cực.

Cần nhận diện đúng về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng chỉ rõ còn những mặt hạn chế, cần có giải pháp khắc phục: Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số lượng nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Thuốc lá điện tử đang xâm nhập và được sử dụng ngày càng nhiều và gia tăng ở nước ta, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, lứa tuổi học sinh.

Tình hình nhập lậu thuốc lá, buôn bán, vận chuyển, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên thị trường, qua không gian mạng ngày càng tăng về quy mô và mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, pha trộn ma tuý (cần sa, ma tuý tổng hợp) đang diễn biến phức tạp và gia tăng rất nhanh…

phong-chong-tac-hai-thuoc-la-03-1714808416.jpg
Lực lượng quản lý thị trường các địa phương tăng cường công tác kiểm tra việc kinh doanh thuốc lá điện tử. (Ảnh minh họa)

Để phiên giải trình đạt hiệu quả thiết thực, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần nhận diện đúng về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đánh giá tác hại của các loại thuốc lá này. Có thông điệp rõ ràng, cụ thể đến người dân và chính kiến về trách nhiệm của nhà nước đối với vấn đề này.

Cùng với đó làm rõ tồn tại, hạn chế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; xác định cụ thể nguyên nhân và trách nhiệm của từng bộ, ngành.

Cần đưa ra những kiến nghị cụ thể, rõ ràng. Quản lý nhưng phải trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng thực tiễn, cũng như trên cơ sở phân tích các tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và năng lực cơ quan quản lý nhà nước.

“Sau phiên giải trình này, đề nghị lãnh đạo các bộ cần nghiêm túc triển khai các kiến nghị; Ủy ban Xã hội phải giám sát nên báo cáo thẩm tra về tình hình quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá hằng năm gửi kỳ họp Quốc hội”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh./.

PV