Cách xử lý nguồn nước và vệ sinh môi trường trong mùa mưa lũ

Với người dân vùng lũ, hằng năm đều phải trải qua những ngày ngập lụt ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt. Sau khi nước lũ rút hậu quả để lại là dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, thiếu nguồn nước sinh hoạt. Do vậy, người dân cần có biện pháp để khắc phục, xử lý để sớm có nguồn nước an toàn để sử dụng.
xu-ly-nuoc-1698810385.jpg
Cách xử lý nguồn nước và vệ sinh môi trường trong mùa mưa lũ.

Hằng năm lũ lụt đi qua gây thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt, sau khi bão lũ đi qua, một trong những hậu quả mà bão lũ để lại đó là dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, thiếu nguồn nước sinh hoạt. Với đặ thù của người dân vùng lũ vẫn chủ yếu dùng nước giếng đào, giếng khoan để dử dụng trong sinh hoạt thì việc khắc phục xử lý nguồn nước là vô cùng cấp thiết. Để chủ động khắc phục hậu quả bão lũ, phòng chống các dịch bệnh do lũ lụt gây ra, người dân cần xử lý nguồn nước và vệ sinh môi trường trước, trong và sau mùa mưa lũ theo cách sau:

Xứ lý nước, giếng nước trước khi mưa lũ.

- Chuẩn bị dụng cụ chứa nước đế tích trử nước trước khi mưa lũ đến;

- Dùng bạt hoặc ni lông bịt kín miệng giếng, không đế nước lũ tràn vào giếng khi giếng bị ngập.

z4837306627576-edad70eeba52b43cddb300458f19ad0a-1698810418.jpg
Nước lũ làm ngập nhiều nhà dân, giếng nước sinh hoạt.

Xử lý nước sinh hoạt trong khi lũ:

Trong mùa lũ lụt, trường hợp giếng bị ngập không có nước dự trữ thì phải lấy nước ngập lụt xử lý để sử dụng sinh hoạt theo 2 bước sau:

Bước 1: Làm trong nước: Đựng nước vào xô, thùng dùng phèn chua với liều lượng 1g phèn chua (1 mẫu bằng đầu ngón tay) cho 20 lít nước: hòa tan phèn, khuấy đều vào nước, chờ nước trong gạn lấy phần nước sạch để sử dụng. Nếu không có phèn chua thì dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong.

Bước 2: Khử trùng nước: Dùng 1 viên Cloramin B loại 250mg cho vào 25 lít nước. Khuấy đều cho tan hết lượng hoá chất, sau 30 phút mới sử dụng.

Xử lý nước và vệ sinh môi trường sau bão lụt:

Xử lý giếng khơi theo 3 bước: Thau rửa giếng, àm trong giếng, khử trùng

* Bước 1: Thau rửa giếng:

Làm vệ sinh thành và nền giếng, khơi thông nước ngập lụt quanh giếng, phải thau vét giếng, lấy hết bùn, rửa thành giếng.

* Bước 2: Làm trong nước:

- Ước lượng nước trong giếng khoảng bao nhiêu m3

- Dùng phèn chua liều lượng 50gam/1m3 nước, nếu độ đục nhiều thì tăng lượng phèn chua nhưng tối đa 100gam/1m3.

- Tán nhỏ, hoà tan hết phèn chua trong chậu.

- Cho nước phèn chua vào gàu múc nước thả mạnh xuống giếng rồi kéo gàu lên xuống khoảng 10 lần, đợi 30 phút sau mới khử trùng nước.

* Bước 3: Khử trùng nước giếng: Dùng cloraminB với liều lượng 10g/1m3 nước (tương đương 1 thìa canh). Hòa cloraminB vào một thùng nước, tưới đều lên giếng, thả chìm gàu xuống giếng kéo lên, thả xuống 10 lần, sau đó chờ 30 phút đến 1 giờ là có thể dùng được.

Lưu ý:

- Không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn.

- Sau khi khử trùng nếu ngửi có mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng.

- Nước sau khi đã làm trong, khử trùng vẫn phải đun sôi mới uống được.

Xử lý môi trường:

- Nước rút đến đâu huy động cộng đồng làm vệ sinh môi trường đến đó. Vì nếu không làm kịp thời thì sẽ khó đẩy được phù sa ra khỏi nhà, sân và đường đi.

- Khi nước rút hết môi trường bị ô nhiễm nặng, có mùi tanh thối do xác súc vật, côn trùng, cây cối chết thối rữa... Do đó, cần phải khơi thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng, chôn lấp xác súc vật và tẩy uế.

Về xử lý xác súc vật chết:

- Khảo sát, ước lượng xác súc vật chết cần xử lý.

- Chọn vị trí chôn xác súc vật ở ngoài đồng cách xa nguồn nước ít nhất 50m. - Đào hố chôn xác súc vật ở độ sâu ít nhất phải trên 0,8m, đổ 3-5 kg vôi bột hoặc phun Chloramine B nồng độ cao rồi lấp đất lèn chặt, rào kỹ lại tránh súc vật đào bới.

- Khử trùng nơi có xác súc vật chết: Sau khi chuyển xác súc vật đi chôn phải phun thuốc khử trùng hoặc rải vôi bột nơi có xác súc vật chết. Nếu không có vôi, hoá chất khử trùng thì dùng rác khô đốt nơi súc vật chết. Hằng ngày phải kiểm tra nơi chôn xác súc vật xem có bị súc vật hoặc chuột bọ đào bới hay không. Nếu phát hiện có mùi hôi thối hoặc bị đào bới thì phải lấp lại ngay.

Dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phơi khô quần áo, không treo, mắc quần áo ẩm ướt vào một chỗ dễ làm nơi trú ẩn cho muỗi.

Phòng một số bệnh sau bão lụt:

Sau bão lụt thường phát sinh một số dịch bệnh như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, sốt xuất huyết, sốt rét, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da… để phòng bệnh bằng cách như sau:

- Ăn chín, uống sôi; Nằm ngủ phải mắc màn.

- Loại bỏ những vũng nước đọng vì đây nơi trú ẩn, sinh hoạt và truyền bệnh của muỗi; Tích cực diệt ruồi, muỗi, vệ sinh làng xóm, khơi thông cống rãnh...

- Không tắm, gội và giặt quần áo bằng nước bẩn; Không mặc quần áo ướt.

- Hạn chế lội vào chỗ nước bẩn. Nếu phải lội vào nước bẩn thì sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, bôi thuốc sát trùng phòng nước ăn chân, tay.

Trên đây là các biện pháp xử lý nước và vệ sinh môi trường trước, trong và sau bão lũ, mọi người cần chú ý thực hiện để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Nguyễn Duyên