Các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô kiến nghị giảm 50% phí trước bạ

Đại diện 12 nhà nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng tại Việt Nam (VIVA) đã có công văn gửi ý kiến đệ trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ kiến nghị được hưởng mức giảm lệ phí trước bạ 50%.

Doanh nghiệp nhập khẩu xe nguyên chiếc cho rằng, mình cũng phải đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng của thị trường ô tô nên cũng cần được hỗ trợ lệ phí trước bạ. Theo đó, VIVA có 12 doanh nghiệp thành viên gồm: Audi, Bentley, Ferrari, Jaguar & Land Rover, Maserati, Morgan & Brabus, Porsche, Subaru, Volkswagen và Volvo.

Kiến nghị của VIVA được nêu ra chỉ ít ngày sau khi Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cùng một số địa phương có nhà máy sản xuất ô tô đồng loạt kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ tiếp tục gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. 

VIVA cho biết, việc thắt chặt nhanh chính sách tiền tệ trong nước đã khiến thanh khoản thị trường bị thu hẹp, lãi suất tăng dẫn đến hạn chế khả năng tiếp cập tín dụng của khách hàng tư nhân và các doanh nghiệp. "Các doanh nghiệp đang phải gồng mình đối phó với lượng hàng tồn kho cao do sức mua trên thị trường giảm đột ngột".

Các doanh nghiệp VIVA cũng chia sẻ, do số lượng ô tô bán ra ký kết đã giảm kể từ 11/2022, tình trạng dư tồn kho tiếp tục diễn ra nghiêm trọng hơn nhiều đối với các nhà nhập khẩu và đại lý xe nhập khẩu nguyên chiếc.

image001-1679060035.jpg

Ảnh minh họa.

Theo các đơn vị trên, từ cuối quý IV-2022, thị trường ô tô chịu ảnh hưởng của lãi suất ngân hàng tăng, hạn mức tín dụng thấp, đăng kiểm khó khăn… khiến doanh số không như kỳ vọng. Với VAMA, doanh số bán hàng toàn thị trường tháng 1/2023 cho thấy, chỉ có hơn 17.300 xe được bán ra, giảm hơn 51% so với tháng 12-2022, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2022.

Các số liệu cũng cho thấy, sản xuất và tiêu thụ ô tô của một số nhà sản xuất không thuộc VAMA hay VIVA trong giai đoạn này cũng sụt giảm. Đơn cử, Tập đoàn Thành Công (Ninh Bình), chuyên sản xuất và kinh doanh xe Hyundai, chỉ tiêu thụ 2.957 xe trong tháng 01/2023, giảm 3.732 xe (tương đương 55,8%) so với cùng kỳ năm 2022. 

Cũng theo VIVA, từ tháng 10 - 12/2022, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (CBU) đã tăng gấp 3 lần, nhưng lượng bán lại giảm mạnh. Thực trạng này dẫn tới dư tồn kho diễn ra nghiêm trọng, tạo áp lực tài chính lớn. Hiệp hội này nhấn mạnh, nếu không có sự hỗ trợ phí trước bạ, chỉ một số nhà nhập khẩu và đại lý có thể trụ vững trong thời gian tới.

Các đơn vị cho rằng, tình hình dự báo còn khó khăn nên khả năng duy trì sản lượng và doanh số bán hàng khó đạt được. Một số lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô nhận định, doanh số toàn thị trường năm 2023 có thể giảm khoảng 17,5% so với năm 2022 tương đương hơn 85.000 xe. 

Các doanh nghiệp thành viên VIVA cho rằng, doanh số bán xe của cả sản xuất lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc đều chịu áp lực nghiêm trọng. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần có giải pháp hỗ trợ tương tự và công bằng vì toàn bộ thị trường cả hai nguồn gốc xe cũng đều bị ảnh hưởng nặng nề. Ủng hộ đề xuất giảm 50% thuế trước bạ, nhưng VIVA cho rằng chỉ khi áp dụng cho tất cả ô tô mới được lắp ráp trong nước cũng như nhập khẩu nguyên chiếc.

Trong bối cảnh đó, các bên kiến nghị áp dụng giải pháp giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong khoảng thời gian phù hợp; đồng thời, gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (theo mong muốn của VAMA là từ tháng 1 đến hết tháng 6/2023). 

Thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-CP của Chính phủ nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc trong ngành công nghiệp ô tô, Bộ Tài chính đã được giao phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan ban ngành liên quan nghiên cứu chính sách giãn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, mức thuế ưu đãi, các ưu đãi bao gồm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước do Bộ Công Thương đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/03/2023.

Trước đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), UBND tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Ninh Bình có văn bản gửi Thủ tướng, các Bộ Công Thương, Tài chính và các cơ quan liên quan kiến nghị, đề xuất chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Theo đó, các cơ quan này đề xuất Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong năm nay; Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Thi Nguyên (t/h)