Tiếp tục chuỗi các cuộc làm việc với các thành phần doanh nghiệp, sáng 4/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc toạ đàm với các doanh nghiệp Hàn Quốc. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và Nguyễn Chí Dũng, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và một số địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam; Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam; một số hiệp hội, tập đoàn, tổng công ty tiêu biểu của Hàn Quốc.

Đây là cuộc làm việc thứ 9 của Thủ tướng Phạm Minh Chính với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong vòng 1 tháng qua.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng, đem lại lợi ích cho cả hai bên
Phát biểu tại Tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn doanh nghiệp Hàn Quốc đã cùng Việt Nam "chia ngọt sẻ bùi" trong suốt thời gian qua, cả trong lúc khó khăn như đại dịch Covid-19 đã vừa đầu tư phát triển, vừa tham gia thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Thủ tướng đánh giá cao sự chia sẻ thẳng thắn, những tâm tư nguyện vọng, cảm xúc của các doanh nghiệp Hàn Quốc, thể hiện sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau.
Trước quan tâm của các doanh nghiệp về quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ, chính sách của Hoa Kỳ và phản ứng, giải pháp của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế bổ sung cho nhau, không cạnh tranh gay gắt mà cạnh tranh lành mạnh; hai nước là Đối tác chiến lược toàn diện, có nhiều duyên nợ, nhiều đặc điểm khác so với các đối tác khác.
Phía Việt Nam cũng đã chủ động, tích cực tiếp xúc với các cấp, ngành, doanh nghiệp của Hoa Kỳ để tiếp tục tăng cường hợp tác, hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ thuận lợi và khó khăn, thúc đẩy hợp tác kinh tế ngang tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Đồng thời, tích cực tháo gỡ các vướng mắc của các đối tác Hoa Kỳ một cách công bằng, hợp lý, đúng quy định, luật pháp của hai bên. Trong đó, rà soát các chính sách thuế hợp lý, hài hòa, bảo đảm lợi ích hai bên, đồng thời thúc đẩy thương mại theo hướng cân bằng hơn.

Với quan điểm, trong quan hệ với mỗi đối tác, trong mỗi thời kỳ khác nhau thì sẽ có những quan tâm và chia sẻ khác nhau, điều rất quan trọng là nắm chắc tình hình, phản ứng phù hợp, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, Thủ tướng cho rằng thế giới đang chứng kiến những biến đổi nhanh, khó lường với nhiều vấn đề mang tính khu vực, toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức với sự phát triển của mỗi quốc gia, khu vực, nhất là các nước đang phát triển, chậm phát triển.
Điều này đòi hỏi phải có cách tiếp cận toàn diện, toàn dân, toàn cầu, tăng cường đoàn kết quốc tế, tỉnh táo đưa ra chính sách để ứng phó, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa các chủ thể để cùng chung sống, cùng phát triển trong môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Nói về mối quan hệ của Việt Nam - Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hai bên đã cùng nhau đoàn kết, tin cậy, hiểu biết, chia sẻ, "kết duyên" cùng nhau trải qua những thăng trầm, đảm bảo lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng, đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Thủ tướng đã chia sẻ kết quả đạt được về kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2024 vừa qua, đồng thời chia sẻ về những chính sách phát triển của Việt Nam trong năm 2025 và thời gian tới. Trong đó, Thủ tướng nêu rõ: Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, song song với đó là tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính đảm bảo hoạt động tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả, cắt giảm khâu trung gian, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân doanh nghiệp, xây dựng các chính sách, tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn về thể chế.
Cùng với đó, ưu tiên phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, công nghệ sinh học, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, bảo vệ môi trường, tinh thần là: "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị con người thông minh".

Với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tốc độ nhanh hơn, quy mô lớn hơn, chất lượng phát triển cao hơn, bền vững hơn và trong quá trình phát triển không hi sinh môi trường, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần, mục tiêu cuối cùng là giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định chính trị để nhân dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng mong các doanh nghiệp Hàn Quốc đã làm tốt rồi nhưng càng phải làm tốt hơn, tư vấn cho Việt Nam phát triển nhanh mà bền vững như các bạn đã từng làm trên đất nước các bạn, xây dựng, góp ý về thể chế để đảm bảo thông thoáng.
Đồng thời tiếp tục mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và xem Việt Nam là cứ điểm sản xuất, đầu tư, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm; góp phần chuyển giao công nghệ cho Việt Nam; góp phần đào tạo ngồn nhân lực chất lượng cao, vừa đào tạo, huấn luyện, vừa nâng cao tay nghề, góp phần quản trị thông minh, cải cách bộ máy sao cho phù hợp với xu thế thế giới và của Việt Nam.
Đặc biệt là đầu tư vào công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, đổi mới sáng tạo, công nghệ sinh học, công nghệ xanh, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn…
Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành chia sẻ cùng các doanh nghiệp Hàn Quốc, trong đó có chia sẻ về ý tưởng, tầm nhìn, hành động, "chúng ta phải nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu làm lớn". Cùng với đó, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp Hàn Quốc kinh doanh đúng pháp luật, lắng nghe góp ý cùng nhau tháo gỡ các vướng mắc để tăng cường sự hiểu biết, nâng cao hiệu quả hợp tác.
Thủ tướng cho rằng, đầu tư phải phát triển, đầu tư phải có lợi ích, đầu tư để ngày càng trưởng thành lên, dựa trên nền tảng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước để cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng thụ, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, mang lại hiệu quả hơn, hiểu biết sâu rộng hơn, mang lại lợi ích cho cả 2 bên, hai đất nước, hai dân tộc, "làm mà vui, làm phấn khởi, càng làm càng yêu quý nhau hơn".
Doanh nghiệp Hàn Quốc tin tưởng và mong muốn tiếp tục đầu tư, mở rộng đầu tư tại Việt Nam
Thời gian qua, Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hàn Quốc không ngừng phát triển, trong đó hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là một trụ cột quan trọng. Hàn Quốc duy trì vị trí số 1 về đầu tư trực tiếp nước ngoài và thị trường cung cấp khách du lịch của Việt Nam; số 2 về cung cấp vốn ODA; số 3 về thương mại và hợp tác lao động. Hiện nay, Hàn Quốc có hơn 10.000 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 92 tỷ USD. Kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt 81,5 tỷ USD, trong đó nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc đạt 55,9 tỷ USD.
Tại tọa đàm, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam và lãnh đạo các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện thể chế pháp luật, sửa đổi, bổ sung nhiều luật, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt là việc Thủ tướng rất quan tâm, thường xuyên có các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Nhờ đó, qua khảo sát có 82% doanh nghiệp Hàn Quốc tin tưởng và mong muốn tiếp tục đầu tư, mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Phía Hàn Quốc cho biết sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế, nhất là đầu tư vào các dự án quy mô lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Nhà máy điện hạt nhân, dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, năng lượng xanh, công nghệ sinh học, vật liệu mới, đóng tàu, sản xuất ô tô, logistics, tài chính, dược phẩm; tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ phát triển cho Việt Nam.
Bày tỏ sự lo ngại về ảnh hưởng của việc một số nước thay đổi chính sách thương mại, phía Hàn Quốc đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương Việt Nam cần có giải pháp ứng phó hiệu quả trước những thay đổi chính sách thương mại của các nước; tiếp tục hoàn thiện và ổn định chính sách pháp luật, nhất là khung pháp lý về các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), chíp bán dẫn; thực thi hiệu quả chính sách thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu nội địa. Việt Nam vận hành hiệu quả, giúp doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn Quỹ hỗ trợ đầu tư; tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và quy trình thực thi; rút ngắn thời gian đưa ra quyết định, cấp phép đầu tư; đơn giản hóa việc cấp phép lao động; cải thiện dịch vụ logistics, ổn định cấp điện…

Tại toạ đàm, đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội chúc mừng những kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, là điểm sáng về tăng trưởng trên thế giới. Đồng thời đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam ngày càng được cải thiện và là điểm đến đầu tư hấp dẫn trên thế giới./.