Theo hiệp hội Kỹ sư Ô tô (SAE) – tổ chức phát triển các quy định và tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, xe tự lái hiện được phân loại thành 5 cấp (level) khác nhau. Điều này nhằm xác định mức độ tự chủ của phương tiện và khả năng điều khiển của người lái khi vận hành xe. Các cấp độ xe tự hành mô tả khả năng tự chủ (tự động hoá các hành động) của ô tô:
-Cấp độ 1: Hỗ trợ tài xế
Ở cấp độ 1, người lái vẫn phải thực hiện hầu hết các thao tác cần thiết để điều khiển chiếc xe bên cạnh một số tính năng tự lái như kiểm soát hành trình thích ứng (Adaptive Cruise Control) và hỗ trợ giữ làn (Lane Keeping Assist).
Theo đó, hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng sẽ chọn tốc độ phù hợp cho phương tiện, đảm bảo khoảng cách an toàn với các phương tiện di chuyển phía trước. Tính năng hỗ trợ giữ làn đường cung cấp cho người lái những thông tin cảnh báo chệch làn và giữ làn đường khi xe bắt đầu rời khỏi làn đường đã định sẵn.
Hai tính năng trên giúp người điều khiển đảm bảo an toàn đồng thời giảm mệt mỏi và căng thẳng đặc biệt khi lái xe đường dài. Tuy nhiên, người lái vẫn cần giữ tập trung để xử lý các tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
-Cấp độ 2: Tự động hóa một phần
Xe tự hành cấp độ 2 được tích hợp nhiều tính năng hỗ trợ người lái tiên tiến như phanh tự động, kiểm soát hành trình thích ứng, hỗ trợ đỗ xe tự động, hỗ trợ chuyển làn… Điều này giúp người dùng có thể kiểm soát xe tốt hơn và chủ động xử lý tình huống trên mọi cung đường.
Ở cấp độ này, tính tự động của ô tô cao hơn cấp độ 1 nhưng mang tính riêng lẻ. Vì vậy, người lái vẫn luôn phải “cảnh giác”, chủ động tham gia vào quá trình điều khiển phương tiện. Tới nay, nhiều ô tô có tính năng tự lái cấp độ 2, chủ yếu là các mẫu xe cao cấp của Mỹ và Châu Âu.
-Cấp độ 3: Tự động hóa có điều kiện
Cấp độ xe tự lái này còn được gọi là chế độ “không cần nhìn đường”. Ô tô có thể tự vận hành gần như hoàn toàn trong một vài điều kiện lý tưởng, chẳng hạn như đường cao tốc với giải phân cách rõ ràng, vận tốc di chuyển giới hạn.
Ở cấp độ 3, người lái có thể rời tay khỏi vô-lăng, xem điện thoại hay máy tính bảng nhưng vẫn phải ngồi ở vị trí điều khiển để sẵn sàng kiểm soát xe khi cần thiết. Đặc biệt trong trường hợp khẩn cấp do lỗi hệ thống, xe vẫn cần đến sự can thiệp của người điều khiển hạn chế va chạm mất an toàn xảy ra.
-Cấp độ 4: Tự động hóa ở mức cao
Những phương tiện tự động hóa cấp độ 4 không cần bất cứ tương tác nào của tài xế trong quá trình vận hành. Xe có thể tự chuyển hướng, phanh hoặc tăng tốc, thậm chí tránh vật cản thông qua việc liên tục giám sát tình trạng đường. Do cho phép người lái có thể nghỉ nên cơ chế tự động lái này chỉ được kích hoạt trên các cung đường ở tình trạng hoàn hảo, đảm bảo đầy đủ các điều kiện để xe có thể dừng đỗ khi cần.
-Cấp độ 5: Tự động hóa toàn diện
Đây là mức độ lái xe cao nhất trong thang đo của SAE. Ở cấp độ này, xe có thể tự động di chuyển và xử lý tình huống mà không cần đến sự can thiệp của con người. Ở cấp độ này, công nghệ xe tự hành cho phép vận hành ở mọi nơi mà không bị ràng buộc về điều kiện địa lý cũng như thời tiết. Vì vậy, sự tham gia của người lái chỉ là ra lệnh cho xe di chuyển tới địa điểm. Ngoài ra, vì không có vô-lăng hay buồng lái, xe tự hành cấp độ 5 sẽ có thể phục vụ nhu cầu di chuyển của mọi đối tượng, bao gồm cả người không có bằng lái hay không đủ điều kiện sức khỏe.
Theo các nhà nghiên cứu dự báo, tới năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 8 triệu phương tiện tự hành hoặc bán tự hành được sử dụng. Theo đó, xe tự lái cấp độ 3, 4 sẽ chỉ phù hợp sử dụng tại các khu đô thị, trường đại học, sân golf,… những nơi có điều kiện di chuyển lý tưởng cho xe./.