Theo UBND tỉnh Cà Mau, tỷ lệ giải ngân vốn của tỉnh đạt chưa cao do các chủ đầu tư tập trung giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 (được giải ngân hết 31/1/2021).
Cùng đó, các dự án khởi công mới còn đang ở bước triển khai thủ tục chuẩn bị thực hiện đầu tư và dự kiến đến khoảng cuối quý I hoặc đầu quý II năm nay sẽ khởi công dự án, khi đó mới phát sinh khối lượng để giải ngân. Mục tiêu đến hết quý I/2022, tỉnh phấn đấu giải ngân đạt ít nhất 20% tổng kế hoạch vốn đã bố trí.
Từ thực tế trên, UBND tỉnh Cà Mau tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng thi công các công trình, dự án; tăng cường kiểm tra, thống kê các khu vực gặp khó khăn về giao thông để có biện pháp xử lý kịp thời nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Theo phản ánh của các chủ đầu tư, giá vật tư trên thị trường biến động lớn như nhựa đường, giá xăng dầu…, nên dự toán được duyệt phải cập nhật điều chỉnh, làm tăng tổng mức đầu tư. Điều này đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân theo kế hoạch.
Liên quan đến vấn đề nêu trên, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Cà Mau đề nghị UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh kế hoạch giải ngân đến hết quý III năm 2022 phải giải ngân đạt tỷ lệ 80% dự toán được phân bổ. Sở này lý giải rằng, do danh mục công trình được phân khai cuối năm 2021 và thời gian nghỉ Tết Nguyên đán rơi vào quý I năm 2022.
Mặt khác, đơn vị còn phải thực hiện cập nhật, điều chỉnh giá vật tư, đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng công trình mới ban hành; thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu và tổ chức thi công khá dài nên đến hết quý I năm 2022 phải giải ngân vốn đạt tỷ lệ 80% dự toán là chưa khả thi.
Hiện, Sở Giao thông Vận tải đang tập trung tổ chức tập huấn, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh hổ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình là cơ sở thực hiện theo quy định và cam kết đảm bảo giải ngân vốn hoàn thành 100% dự toán được phân bổ trong năm nay.
Năm 2022, tỉnh phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 3.200 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách địa phương hơn 2.350 tỷ đồng, còn lại là vốn từ ngân sách trung ương phân bổ.
Hiện nay, Cà Mau đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công 10 dự án trọng điểm; trong đó, 2 dự án do Trung ương đầu tư, đó là: Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thành phố Cà Mau thuộc địa bàn thành phố Cà Mau và Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thuộc địa bàn huyện Thới Bình.
Cùng với 8 dự án còn lại do địa phương đầu tư gồm: Dự án đầu tư xây dựng cầu sông Ông Đốc, tuyến trục Đông - Tây và cầu Gành Hào; Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cà Mau - Đầm Dơi (đoạn từ đường Hải Thượng Lãn Ông đến cầu Xóm Ruộng); dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường U Minh - Khánh Hội; dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cái Nước - Vàm Đình - Cái Đôi Vàm; Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Cà Mau giai đoạn 1; Tiểu dự án 8 đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm - rừng ven biển tỉnh Cà Mau thuộc Dự án "Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long"; Dự án đầu tư hạ tầng chung các công trình lĩnh vực y tế và Dự án xây dựng tuyến đường giao thông kết nối vào khu vực Đầm Thị Tường.
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau đang chuẩn bị triển khai đầu tư thêm 6 dự án quan trọng khác; trong đó, có 3 dự án của Trung ương đầu tư./.