Kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp

Mới đây, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, mục tiêu xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp mới đạt khoảng 40% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp (KCN) đến năm 2020.

Tồn tại nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ

Theo số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng, đến nay trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 276 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) khu vực đô thị với tổng diện tích hơn 7,3 triệu mét vuông sàn. Trong đó, đối với NƠXH dành cho công nhân KCN đã hoàn thành 122 dự án, tổng diện tích khoảng 2,7 triệu mét vuông sàn.

“Tuy nhiên, với số lượng nhà ở công nhân đã hoàn thành là 2,7 triệu mét vuông (đáp ứng khoảng hơn 340.000 người lao động) thì mới đạt khoảng 40% mục tiêu về nhà ở công nhân KCN đến năm 2020), hầu hết số lượng công nhân còn lại hiện nay chưa có chỗ ở ổn định, đang phải ở tại các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng với giá thành thuê nhà khoảng 2 - 5 triệu đồng/tháng, đáp ứng từ 4 - 6 người ở nhưng chất lượng kém, không bảo đảm an ninh, an toàn, không đầy đủ tiện ích...”

images-1660346782.jpg
Kế hoạch phát triển NƠXH cho công nhân không hoàn thành mục tiêu đề ra (Ảnh minh họa).

Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, trong đó có NƠXH, nhà ở dành cho công nhân KCN luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đã có nhiều chính sách ưu đãi để giảm giá thành nhà ở, tạo điều kiện cho người lao động thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở có cơ hội tiếp cận, như: Miễn tiền sử dụng đất; Được dành 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án NƠXH để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; Giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; Hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án; Cho vay ưu đãi lãi suất thấp; Chi phí mua hoặc thuê nhà ở cho công nhân được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp…

Tuy nhiên, công tác phát triển NƠXH vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính và pháp lý.

Điển hình như, liên quan đến thủ tục đầu tư dự án NƠXH của doanh nghiệp tư nhân rất phức tạp số với thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại. Đơn cử, như việc chủ đầu tư dự án NƠXH được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất lên tối đa 1,5 lần theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 7 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, nhưng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không dám phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án do lo ngại tăng dân số cục bộ, không phù hợp với quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt, dẫn đến hồ sơ không được giải quyết kịp thời do phải chờ đợi thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 vốn rất rắc rối.

Cùng với đó, Điều 54 Luật Nhà ở 2014 chỉ quy định UBND cấp tỉnh quy hoạch khu vực riêng để lập dự án đầu tư xây dựng NƠXH cho thuê, mà chưa bao gồm NƠXH để bán, cho thuê mua. Đồng thời, quy định về quy mô dự án sử dụng đất dưới 10ha được lựa chọn giữa hình thức dành quỹ đất 20% để xây dựng NƠXH hoặc nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất đó... cũng nảy sinh rất nhiều tiêu cực…

tai-xuong-1660346782.jpg
Kế hoạch phát triển NƠXH cho công nhân không hoàn thành mục tiêu đề ra (Ảnh minh họa).

Ngoài ra, các cơ quan giúp việc cho Chính phủ cần nhanh chóng triển khai thực tế những cơ chế, chính sách đã được ban hành, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong vấn đề NƠXH. Đặc biệt, cần đẩy nhanh gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chính sách NƠXH. Để người vay tiếp cận được chính sách giảm 2% lãi suất theo gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng, các địa phương tập trung tháo gỡ những thủ tục hành chính bên cạnh việc thực hiện đấu thầu các khu đất công được quy hoạch làm NƠXH.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi Thông tư 20/2021/TT-NHNN cho phép các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định được cho cá nhân, hộ gia đình vay mua, thuê mua NƠXH. Bởi vì với quy định hiện nay, cá nhân, hộ gia đình chỉ được vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua NƠXH với điều kiện phải gửi tiết kiệm tại đây trong 12 tháng…

Kiến nghị giải pháp

Để giải quyết một số tồn tại, vướng mắc trong việc phát triển NƠXH, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý NƠXH, trong đó đã sửa đổi các quy định cụ thể hơn về trình tự thủ tục, hồ sơ chứng minh đối tượng mua, thuê, thuê mua. Nhưng thực tế, công tác phát triển NƠXH vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính và pháp lý.

“Vì vậy, để bảo đảm đồng bộ quy định pháp luật, một số nội dung vướng mắc trong phát triển nhà công nhân phải tiếp tục được sửa đổi tại Luật Nhà ở và các pháp luật có liên quan, do vậy Bộ Xây dựng cũng đã nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Chính phủ về việc sửa đổi Luật Nhà ở 2014. Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội thì Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 năm 2023”.

Các chuyên gia đều cho rằng, việc bãi bỏ quy định cho phép chủ dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10ha được lựa chọn giữa hình thức dành quỹ đất 20% để xây dựng NƠXH hoặc nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất đó là phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Nhưng bên cạnh đó, Chính phủ cần bổ sung thêm chính sách ưu đãi để phát triển nhà ở giá phù hợp cho người có thu nhập trung bình, thấp với mức ưu đãi tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng bằng khoảng một nửa mức dành cho NƠXH.

Đình Văn - Quốc Cường