Theo số liệu vừa được Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam công bố cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 9/2022, doanh thu bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 3.221 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,5% tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ; giá trị bồi thường 562 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường là 17,4%. Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 9.819 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,7% tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ; bồi thường 5.564 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 56,7%.
VCCI đánh giá, bảo hiểm bắt buộc với xe máy không mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, bởi tỷ lệ chi trả quá thấp. Loại bảo hiểm này không chi trả cho người mua bảo hiểm (chủ xe), mà chi trả cho nạn nhân (bên thứ ba), nhằm đảm bảo cho người bị nạn luôn nhận được quyền lợi bồi thường từ doanh nghiệp bảo hiểm, dù người gây ra tai nạn có điều kiện tài chính hay không.
Sau hơn 10 năm triển khai, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp, gần 6% năm 2019 (45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm). Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với các loại bảo hiểm bắt buộc khác như ô tô khoảng 33%, bảo hiểm cháy nổ là 31%.
Liên quan đến việc bỏ bảo hiểm xe máy bắt buộc trao đổi với báo chí, ông Ngô Việt Trung - Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho rằng, trên thực tế, môtô, xe gắn máy vẫn là nguồn phương tiện giao thông chủ yếu (khoảng 72 triệu xe môtô, xe máy đã được đăng ký) và nguồn gây tai nạn lớn nhất ở Việt Nam, chiếm khoảng 63% số vụ tai nạn giao thông.
Do đó, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới gồm môtô, xe máy là một giải pháp bảo đảm tài chính cho chủ xe với chi phí thấp (55.000 - 60.000 đồng) và mức trách nhiệm bồi thường cao (lên đến 150 triệu đồng).
Theo ông, khi không may xảy ra tai nạn, có nhiều trường hợp hoàn cảnh khó khăn, phải nằm viện không thể bồi thường cho nạn nhân thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đứng ra chi trả cho người bị tai nạn.
Trường hợp không xác định được xe gây tai nạn hoặc xe không tham gia bảo hiểm, các nạn nhân cũng được hưởng hỗ trợ nhân đạo từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp bảo hiểm thông qua Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.
Giải thích về số tiền bồi thường bảo hiểm đối với tai nạn xe máy chỉ 45 tỉ đồng, trong khi doanh thu lên tới 765 tỉ đồng, ông Trung cho rằng, trong cơ cấu doanh thu, doanh nghiệp bảo hiểm phải trích lập các khoản dự phòng và các chi phí khác, không chỉ dùng để bồi thường.
Bên cạnh đó, đa số các vụ tai nạn xe máy có mức độ thiệt hại nhỏ nên thông thường bên gây ra tai nạn và nạn nhân tự giải quyết.
Ông Trung cho biết, để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các ban, ngành có liên quan xây dựng, trình Chính phủ đã ban hành Nghị định 03/2021.