Bộ Tài chính: Giá cả có xu hướng tăng nhẹ những tháng cuối năm

Theo Bộ Tài chính, 11 tháng qua, thị trường trong nước nhìn chung đã có sự phục hồi đáng kể sau 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Đồng thời, do chịu tác động từ diễn biến nhanh, phức tạp của của tình hình thế giới, giá một số hàng hóa trong nước như nguyên nhiên vật liệu, năng lượng,... có xu hướng tăng giá từ cuối quý I, quý II, ổn định trở lại trong quý III và có xu hướng tăng nhẹ trở lại trong quý IV do nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán tăng cao.

Để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan chủ động tính toán và dự báo các yếu tố tác động, xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá, cũng như thường xuyên cập nhật theo sát tình hình thực tế báo cáo Chính phủ. Đến nay, mặt bằng giá cơ bản vẫn được kiểm soát.

b-n-l-h-ng-h-a-70329-1670576596.jpg
Khách hàng lựa chọn trái cây tại một siêu thị. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, việc quản lý điều hành giá được thực hiện thận trọng, giá các mặt hàng nhà nước định giá cơ bản được giữ ổn định từ đầu năm đến nay như giá bán lẻ điện bình quân, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công; giá dịch vụ giáo dục.

Ngoài ra, giá xăng dầu được điều hành sát với diễn biến giá thế giới, nhưng với mức tăng thấp hơn nhờ sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá kết hợp giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu kịp thời giúp bình ổn giá xăng dầu trong nước, đồng thời giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng động cơ không pha chì nhằm góp phần đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.

Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm nguồn cung vẫn dồi dào, đây là những mặt hàng chiếm quyền số lớn trong rổ hàng hóa tính Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), hiện Việt Nam vẫn chủ động được trong sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Thi Nguyên (t/h)