Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về các hoạt động đầu tư nước ngoài, bao gồm các hoạt động tập trung kinh tế.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trong bối cảnh tình hình dịch COVID vẫn diễn biến phức tạp, Cục đã chủ động điều chỉnh chương trình, kế hoạch và thay đổi phương pháp, cách thức triển khai công việc cho phù hợp với tình hình thực tiễn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, hiện Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chưa được ban hành, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực thi đầy đủ, hiệu quả Luật Cạnh tranh năm 2018.
Để nhanh chóng hoàn thiện mô hình tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan báo cáo, giải trình xây dựng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong quá trình xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 98/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, để thực thi có hiệu quả pháp luật cạnh tranh, năm 2022, Bộ Công Thương sẽ tăng cường hoạt động giám sát thị trường, tập trung điều tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh đảm bảo quy trình, tố tụng cạnh tranh.
Đồng thời, tăng cường giám sát thị trường, nhất là các vụ thâu tóm doanh nghiệp lớn, hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế Việt Nam.
Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực cạnh tranh, năm 2021 Bộ Công Thương đã kiểm soát chặt chẽ giám sát và quản lý cạnh tranh; rà soát, theo dõi và xử lý các vụ việc điều tra, các vụ việc hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã tiến hành thu thập, xác minh thông tin, dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh trong một số thị trường, ngành, lĩnh vực như: biểu hiện của hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong các hội gas tại một số địa phương; phân bón; tình trạng tăng giá thép.
Cùng với đó, thu thập và xem xét thông tin quảng cáo có dấu hiệu của hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với quảng cáo thực phẩm chức năng, quảng cáo thuốc, quảng cáo một sản phẩm có tính năng thổi phồng liên quan đến dịch COVID-19...
Thống kê cho thấy, năm 2021, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận và xử lý 111 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế trong nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Trong số này, có nhiều giao dịch thực hiện ở nước ngoài nhưng có ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam, nhiều giao dịch doanh nghiệp nước ngoài mua lại doanh nghiệp Việt Nam./.