Bộ Công an đề xuất cấp căn cước công dân cho trẻ dưới 6 tuổi

Mới đây, Bộ Công an cho biết đã hoàn thành dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Theo đó, Dự thảo đề xuất trẻ dưới 6 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh thì cấp căn cước đồng thời khi đăng ký khai sinh.

Dự thảo lần này đề ra nhiều quy định về căn cước công dân (CCCD), cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, tài khoản định danh điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Và Các quy định này áp dụng cho công dân Việt Nam, người gốc Việt (không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam).

Ngoài ra, dự thảo cũng đề ra điểm mới, theo đó đối với công dân là trẻ em dưới 6 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh, thì thực hiện cấp thẻ CCCD đồng thời khi đăng ký khai sinh. Trường hợp công dân là trẻ em đã đăng ký khai sinh, thì cha, mẹ hoặc người giám hộ đến cơ quan quản lý căn cước làm thủ tục cấp thẻ. Tuy nhiên, trẻ dưới 6 tuổi, thì không thu nhận thông tin sinh trắc học. Công dân là trẻ em đủ 6 tuổi trở lên, thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải đưa trẻ đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận ảnh khuôn mặt khi thực hiện thủ tục cấp CCCD.

bca-1673750340.jpg
Bộ Công an đề xuất cấp căn cước công dân cho trẻ dưới 6 tuổi

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đề xuất bổ sung quy định về quản lý, cấp CCCD cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ. Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn công dân từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.

Bộ Công an đề xuất tích hợp vào CCCD một số thông tin có tính ổn định để giảm giấy tờ cho công dân. Để thẻ gắn chip có giá trị tương đương xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp, bao gồm: Thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, bằng lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn...

Ngoài ra, dự thảo luật quy định chuyển tiếp theo hướng chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Còn các loại giấy tờ khác đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Ngày 14/01/2023, Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong 2 tháng kể từ ngày đăng tải./.

Văn Minh