Trải qua chặng đường dài 30 năm đổi mới, ngành du lịch Bình Thuận đã có những bước phát triển đầy ấn tượng, đã khẳng định thế mạnh vượt trội và là 1 trong 3 trụ cột phát triển chính của kinh tế Bình Thuận. Khu du lịch Mũi Né đã được quy hoạch là khu du lịch quốc gia và Bình Thuận là một địa phương trọng điểm trong quy hoạch phát triển du lịch quốc gia.
Mũi Né được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn
Du lịch Bình Thuận đã có sự phát triển liên tục với những chuyển biến mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu và dần định vị được thương hiệu. Vai trò, vị trí của du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh ngày càng nâng lên, thể hiện là ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng rõ nét, góp phần quan trọng trong việc khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai, lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện, Bình Thuận đã ghi tên mình trong danh sách 10 tỉnh du lịch nổi bật của Việt Nam, Mũi Né trở thành 1 trong 6 Khu du lịch quốc gia của cả nước. Du lịch biển Bình Thuận đã trở thành một thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới.
Theo các chuyên gia, các yếu tố giúp ngành du lịch Phan Thiết bứt phá là nhờ có nhiều bãi biển tuyệt đẹp, hạ tầng tốt và liên kết trực tiếp với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sắp tới đây, khi đường cao tốc TP. HCM - Dầu Giây - Phan Thiết hoàn toàn thông suốt, thời gian di chuyển từ TP. HCM đến Phan Thiết được rút ngắn còn 2,5 giờ thì lượng du khách đổ về Phan Thiết dự báo sẽ tăng mạnh hơn nữa. Đặc biệt, dự án Sân bay Phan Thiết đang được gấp rút thực hiện, đưa vào hoạt động sẽ giúp Bình Thuận trở nên gần hơn không chỉ với du khách trong nước mà còn là điểm đến thường xuyên của du khách quốc tế trong tương lai gần.
Phấn đấu đưa Mũi Né thành điểm đến du lịch hàng đầu Châu Á Thái Bình Dương
Thông qua Nghị quyết về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ, từ năm 1995 đến nay, tỉnh Bình Thuận đã ban hành 5 Nghị quyết về phát triển du lịch, điều đó cho thấy du lịch là một trong những ngành có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 cũng đã xác định du lịch là một trong 3 trụ cột của ngành kinh tế tỉnh nhà. Đồng chí đề nghị các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết, nhất là những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển ngành du lịch tốt hơn trong thời gian tới.
Các đại biểu đã tập trung phân tích làm rõ những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế trong công tác phát triển du lịch tỉnh trong thời gian qua và đề xuất bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển du lịch trong thời gian tới. Phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, với sự nỗ lực của Đảng, Chính quyền các cấp trong tỉnh, cùng với nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, vị trí địa lý thuận lợi, Bình Thuận đã có nhiều sản phẩm du lịch, đặc biệt, việc Chính phủ chính thức quy hoạch Mũi Né là Khu du lịch quốc gia chính là một thành tựu tổng thể. Du lịch đã thúc đẩy kinh tế địa phương đồng thời, làm phong phú hơn về văn hóa tinh thần cho nhân dân nơi đây.
Từ nền tảng và thương hiệu du lịch Bình Thuận đã được khẳng định trong thời gian qua, được du khách quốc tế và người dân trong nước biết đến, Bình Thuận hi vọng và mong muốn được Trung ương tin tưởng giao đăng cai Năm du lịch quốc gia năm 2023.
Nâng cao cơ sở vật chất phục vụ du lịch biển
Cơ sở hạ tầng ngành du lịch ngày càng được nâng cao, Bình Thuận đã xây dựng và hình thành tuyến đường ven biển trải dài từ La Gi đến Tuy Phong; các dịch vụ du lịch phát triển ngày càng đa dạng; môi trường tự nhiên và môi trường xã hội ngày càng được cải thiện, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Đặc biệt, giai đoạn 2021 - 2025, Bình Thuận hướng tới trở thành Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia. Tỉnh tập trung đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm với các sản phẩm du lịch - thể thao biển đặc trưng, dọc theo bãi biển từ huyện Tuy Phong đến thị xã La Gi, với trung tâm là Khu du lịch quốc gia Mũi Né và các khu du lịch vệ tinh. Thêm vào đó, tỉnh nỗ lực đăng ký đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia 2023.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch của tỉnh phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Hiện Bình Thuận có gần 200 dự án du lịch đầu tư. Toàn tỉnh có gần 600 cơ sở lưu trú du lịch với trên 17.500 phòng. Đối với loại hình khách sạn, nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho thuê, toàn tỉnh có trên 530 cơ sở cùng nhiều căn hộ và biệt thự, đảm bảo phục vụ đa dạng các dòng du khách vào cùng một thời điểm. Du lịch phát triển tạo việc làm ổn định cho khoảng 22.300 lao động làm việc trực tiếp trong ngành du lịch.
Hiện nay, Bình Thuận đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương khẩn trương thi công hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (phía Đông), đoạn qua địa bàn tỉnh; Cảng hàng không Phan Thiết; thi công hoàn thành các trục đường ven biển và tuyến kết nối đường ven biển với Quốc lộ 1A, cao tốc. Đồng thời, tỉnh ưu tiên bố trí nguồn ngân sách và huy động đa dạng các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh; đầu tư công viên, quảng trường biển, kè biển, bến du thuyền, khu neo đậu tàu thuyền, bãi đậu xe… phục vụ phát triển du lịch. Tỉnh cũng đầu tư phát triển hạ tầng số phục vụ yêu cầu chuyển đổi số và dịch vụ du lịch thông minh, mời gọi đầu tư các Trung tâm thương mại lớn phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và du khách./.