Bình Thuận: Gắn kết phát triển du lịch và bảo về môi trường

Bình Thuận sở hữu những điều kiện “thiên thời, địa lợi” để phát triển du lịch. Ngành du lịch tỉnh Bình Thuận chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, để tạo sự khác biệt, đem đến cho khách du lịch những tiện ích, trải nghiệm tuyệt vời, đặc biệt cải thiện chất lượng môi trường du lịch.
2-1728890681.jpg
NovaWorld Phan Thiet – địa điểm hút khách du lịch đến với Bình Thuận trong thời gian qua.

Chú trọng nâng cao chất lượng du lịch

Được thiên nhiên ưu đãi với nhiều bãi biển đẹp và hoang sơ, từ nhiều năm qua tỉnh Bình Thuận là điểm du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng. Trong 3 quý vừa qua, toàn tỉnh Bình Thuận đã đón hơn 7,3 triệu lượt khách và tăng 11,42% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó khách quốc tế có khoảng 293.000 lượt khách, tăng 53% so cùng kỳ (chiếm tỷ trọng lớn là khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Đức, Anh, Hoa Kỳ…). Kết quả này góp phần thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị riêng có các di tích lịch sử, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên.

Để phát huy, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của du lịch Bình Thuận, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, có thương hiệu, uy tín, năng lực, kinh nghiệm để đầu tư các dự án quy mô lớn, các dự án tổ hợp du lịch, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp xanh - sạch - đẹp gắn với dịch vụ vui chơi, giải trí, thương mại, dịch vụ du lịch.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo những hạn chế và phát sinh của phát triển du lịch Bình Thuận theo “truyền thống kiểu cũ” và vấn nạn về môi trường với tình trạng quản lý rác thải kém hiệu quả, hiện trạng ruồi phát sinh xung quanh các cơ sở du lịch gây ảnh hưởng trải nghiệm của du lịch.

Triển khai nhiều biện pháp cải thiện môi trường du lịch

Được mệnh danh là “Thiên đường nghỉ dưỡng”, đã có chỗ đứng trên bản đồ du lịch quốc tế, nhưng ngành du lịch Bình Thuận hiện đang phải đối mặt với tình trạng tình trạng ruồi phát sinh trong mùa mưa. Chuyện ruồi phát triển hoành hành cả một khu vực rộng, lại là vùng du lịch trọng yếu của tỉnh trong một thời gian dài, không những làm mất thiện cảm đối với du khách mà còn là cơ hội cho dịch bệnh khác xảy ra.

Các xã ven biển của huyện Hàm Thuận Nam là vùng chuyên canh thanh long nhưng cũng là vùng tập trung các cơ sở du lịch. Đặc biệt, xã Thuận Quý giáp ranh với thành phố Phan Thiết, sát bên Đô thị NovaWorld Phan Thiet và có khoảng 20 cơ sở du lịch khác phân bổ dọc bờ biển trên địa bàn nên cũng là nơi rõ nhất về tình trạng này. Khi canh tác thanh long, người dân địa phương không chỉ bón phân gà thô mà ngay cả phân gà đã qua xử lý, theo các hộ dân thì vẫn sản sinh ruồi trong quá trình sản xuất, nhất là trong mùa mưa. Từ đó, chúng bay ra khu vực lân cận là các cơ sở du lịch, bất chấp gió biển.

3-1728890724.jpg
Tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh tập huấn cho bà con sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác thanh long an toàn.

Các cơ sở du lịch, cụ thể như NovaWold Phan Thiet đã thường xuyên phun xịt trị ruồi nhưng vẫn không xử lý triệt để tình trạng này. Mới đây, Chủ đầu tư của NovaWolrd Phan Thiet đã phối hợp với nhóm nghiên cứu Trường đại học Tài nguyên và Môi trường thực hiện đề án thử nghiệm phương pháp sử dụng vi sinh phun xịt trên vườn thanh long để hạn chế ruồi và xử lý mùi hôi phát sinh do bón phân gà chưa qua xử lý tại khu vực xã Tiến Thành. Công ty TNHH Delta – Valley Bình Thuận, chủ đầu tư NovaWorld Phan Thiet đã trình bày đề án trên trước đại diện các sở ngành liên quan và thành phố Phan Thiết nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất cho môi trường du lịch cũng như trong canh tác thanh long an toàn ở xung quanh. 

UBND Thành phố Phan Thiết ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Công ty TNHH Delta – Valley Bình Thuận và nhóm nghiên cứu Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường trong việc đưa ra các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường nâng cao đời sống, sức khỏe cộng đồng dân cư và trải nghiệm của du khách tham quan nghỉ dưỡng tại khu vực. Đây cũng là giải pháp mà Doanh nghiệp cùng đồng hành với tỉnh nhằm giúp các hộ dân sản xuất thanh long hiểu rõ về sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất VietGAP hướng tới Nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện không gây ô nhiễm môi trường xung quanh, nhất là khu vực ven các điểm du lịch, từ đó đẩy mạnh du lịch xanh, bền vững.

1-1728890783.jpg
Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất VietGAP cho các hộ dân trực tiếp sản xuất thanh long ở 2 xã Hàm Minh, Thuận Quý.

Trong tháng 9/2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất VietGAP cho các hộ dân trực tiếp sản xuất thanh long ở 2 xã Hàm Minh, Thuận Quý. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND của 2 xã này cho biết, việc áp dụng các yêu cầu trong nội dung tập huấn có trở ngại so thực tế. Đó là những hộ dân canh tác vài trăm trụ thanh long rất khó có sự quy củ trong ủ hoai phân gà như các trang trại lớn. Thêm nữa, hạn chế phân gà, tăng lượng phân bò cũng khó. Vì hiện phân bò ít, không đủ cung cấp nên sẽ đẩy giá bán tăng cao, người trồng thanh long không thể sử dụng được.

Lãnh đạo UBND xã Thuận Quý cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục khuyến cáo nhân dân có ý thức trong sử dụng phân hữu cơ, phân khô để hạn chế ruồi. Đồng thời tranh thủ kết quả thử nghiệm từ Trường đại học Tài nguyên và Môi trường. Còn lãnh đạo UBND xã Hàm Minh thì đang tính đến mô hình liên kết theo chuỗi để kiểm soát bón phân đúng, hợp lý để bảo vệ môi trường chung và cũng góp phần cho xuất khẩu, khi tình trạng ruồi đục trái thanh long đang diễn ra.

Thời gian tới, du lịch Bình Thuận sẽ luôn đặt trong tâm thế nâng cao khả năng cạnh tranh với các địa phương thế mạnh ven biển khác để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng hướng đến bảo vệ môi trường nhằm níu chân du khách./.

Quốc Cường