BIFA WOOD VIETNAM 2024: Thúc đẩy xúc tiến thương mại ngành gỗ, tối đa hóa quy trình, nâng cao hiệu quả sản xuất

Diễn ra từ ngày 8-11/8/2024, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế WTC Expo Bình Dương, “Hội chợ Máy và Nguyên liệu gỗ Quốc tế Bình Dương - BIFA WOOD VIETNAM 2024” đã thu hút sự tham gia của gần 800 gian hàng từ hơn 150 doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế.
1-1723155818.jpg
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) phát biểu tại Lễ khai mạc.

BIFA WOOD VIETNAM 2024 tập trung vào 3 nhóm sản phẩm chính, bao gồm: Máy móc, thiết bị công nghiệp chế biến gỗ từ các quốc gia hàng đầu; Phụ kiện, phụ liệu và nguyên liệu gỗ nhập khẩu; Sản phẩm chế biến gỗ từ các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Hội chợ là cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi thông tin và hợp tác kinh doanh, tạo ra chuỗi liên kết dọc trong nghành từ nhà cung ứng nguyên vật liệu, máy móc, công nghệ đến các nhà sản xuất và thương mại. Đây cũng là dịp để doanh nghiệp đánh giá và lựa chọn tại chỗ các sản phẩm máy móc tiên tiến đến từ Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan và Trung Quốc.

2-1723155859.jpg
Ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) phát biểu tại Lễ khai mạc.

Ngành gỗ Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, từ mức xuất khẩu 3 tỷ USD năm 2010 lên 16 tỷ USD năm 2022, và hiện nay là ngành xuất khẩu thứ 6 trong những ngành xuất khẩu chủ lực. Với hơn 5.400 doanh nghiệp hoạt động, sản phẩm gỗ Việt Nam đã có mặt tại 140 quốc gia, đứng thứ 1 ở Asean, thứ 2 ở Châu Á và thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu đồ gỗ.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) cho biết: “Hội chợ Máy và Nguyên liệu Gỗ quốc tế Bình Dương - BIFA WOOD VIETNAM được các Hiệp hội và doanh nghiệp nghành gỗ duy trì tổ chức thường niên, chính là động lực để các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục khắc phục, vượt qua những khó khăn, thách thức trước mắt, có chiến lược phát triển bền vững trong dài hạn, tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu mới, đồng thời, phát huy các phân khúc sản phẩm thế mạnh tại các thị trường truyền thống”. 

“Bên cạnh đó, Hội chợ đã quy tụ những doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm mới với công nghệ tiên tiến, ứng dụng chuyển đổi số, tăng cường cơ hội hợp tác kinh doanh, tạo ra chuỗi liên kết dọc trong ngành từ các nhà cung ứng nguyên vật liệu, máy móc, công nghệ đến các nhà sản xuất và thương mại”, ông Vũ Bá Phú cho biết thêm.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, chia sẻ: “Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành ngành kinh tế quan trọng, với thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế”.

3-1723155901.jpg
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phát biểu tại Lễ khai mạc.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong ba tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đã đạt 3,4 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 2,3 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada, Anh và các quốc gia thuộc khối EU đang phục hồi mạnh mẽ, mang lại sự lạc quan cho ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

4-1723155934.jpg
Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) phát tại Lễ khai mạc.

Kỳ vọng và cơ hội mới cho ngành gỗ Việt Nam

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), sự khởi đầu thuận lợi trong những tháng đầu năm với các đơn hàng gia tăng, cùng với việc các doanh nghiệp ngành gỗ tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu, đã mở ra những tín hiệu tích cực cho nghành gỗ Việt Nam trong năm 2024. Để tận dụng tối đa cơ hội này, các doanh nghiệp cần nâng cấp công nghệ, tìm ra những máy móc thay thế nhiều công đoạn trong sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm đồ gỗ.

Xúc tiến thương mại: Giải pháp thiết thực

Lãnh đạo các doanh nghiệp chế biến gỗ cho rằng, việc tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để tiếp cận khách hàng là một trong những giải pháp thiết thực nhất hiện nay. Đồng thời, việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá các hội chợ đồ gỗ quốc tế tại Việt Nam; cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ đồ gỗ quốc tế là những giải pháp quan trọng để hỗ trợ xuất khẩu ngành gỗ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

5-1723155977.jpg
Các đại biểu cắt băng khai mạc BIFA WOOD VIETNAM 2024.

“Để đạt được mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản 15,2 tỷ USD năm 2024, trong những tháng cuối năm 2024, ngành chế biến gỗ và lâm sản cần có giải pháp căn cơ trong việc chủ động nguyên liệu, sản xuất, tìm kiếm, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Sau những gì ngành chế biến gỗ và lâm sản vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Tôi tin rằng, nghành chế biến gỗ sẽ luôn chủ động, sáng tạo, linh hoạt biến, những bất lợi, thành cơ hội, những nguy cơ thành thời cơ để đạt được kết quả cao nhất”, ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) chia sẻ.

BIFA WOOD VIETNAM 2024: Sự kiện nổi bật của ngành chế biến gỗ

Trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, BIFA WOOD VIETNAM 2024 được tổ chức thường niên, là sự kiện nổi bật của ngành chế biến gỗ. Hội chợ đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam và khu vực tiếp cận với các sản phẩm, công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh việc sử dụng các thiết bị tự động hóa và ngành công nghiệp phụ trợ của ngành gỗ như: Sơn, keo, đinh vít, bao bì, logistics.

6-1723156017.jpg
Các đại biểu cắt băng khai mạc BIFA WOOD VIETNAM 2024.

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) cho biết: “Diễn ra từ ngày 8 đến ngày 11/8/2024, Hội chợ Máy và nguyên liệu Gỗ quốc tế Bình Dương 2024 với hoạt động triển lãm và hàng loạt sự kiện quy mô lớn nhằm kết nối giao thương, giới thiệu quảng bá tạo ra môi trường thúc đẩy sự hợp tác và mối quan hệ kinh doanh giữa các doanh nghiệp, giúp tìm kiếm khách hàng tiềm năng, mở rộng thị trường và xúc tiến thương mại”.

7-1723156063.jpg
Gian hàng của TLC Compressor tham gia BIFA WOOD VIETNAM 2024.

BIFA WOOD VIETNAM 2024 không chỉ là nơi giúp các doanh nghiệp tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm mà còn là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, nắm bắt cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường, liên doanh liên kết, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh. Đây cũng là dịp để các nhà sản xuất đồ nội thất nâng cao tầm nhìn và thương hiệu của mình tại Việt Nam, khu vực và trên thế giới. Đồng thời, BIFA WOOD VIETNAM 2024 là một sân chơi hữu ích, tạo đà phát triển bền vững cho ngành gỗ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển toàn cầu./.

Đạm Quang Lê