Nguyễn Văn Dũng - "Nghĩa hiệp sông Hồng"

Sông Hồng đoạn chảy qua Phú Thượng được phân thành hai nhánh bởi hòn đảo như con cá voi khổng lồ.
anh-chup-man-hinh-20190113-luc-105521-1643372405.jpg
Hòn đảo giữa sông Hồng

Từ mặt sông nhìn sang chỉ thấy một màu xanh ngắt của rặng chuối và nương ngô. Từ ảnh vệ tinh có thể đo được chiều dài của đảo ngót 4 cây số, chỗ rộng nhất độ 0,5km, tùy theo mùa nước. Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du có câu: “Duyên kỳ ngộ, đức cù lao”. Đảo giữa sông Hồng vốn là một cù lao nổi do nước lũ bồi đắp hàng trăm năm mà thành.

Nay khi thượng nguồn sông Hồng có nhiều con đập ngăn nước làm thủy điện, sông Hồng hết lũ, cù lao xưa thành đảo nổi, đất đai màu mỡ, cây cối um tùm. Với những người yêu sông Hồng, đảo nổi này vẫn là một bí ẩn. Thi thoảng có có những tay bơi chuyên nghiệp đặt chân đến đảo hoang, trong tư thế khỏa thân cũng chỉ lội sâu vào được mấy chục mét, so với diện tích đảo hàng trăm héc ta thì chưa nhằm nhò gì.

Ít ai biết rằng, đảo hoang ấy vẫn có người ở và hơn thế còn là nơi mai táng cho những người xấu số trôi dạt trên sông tấp vào đảo. Rồi chúng tôi cũng có dịp đặt chân lên đảo làm khách của Nguyễn Văn Dũng, dị nhân có thâm niên hơn ba chục năm trên đảo nổi tiếng là người vớt xác trên sông Hồng.

Dũng đón chúng tôi trên chiếc cano lắp động cơ lướt trên mặt nước xé sóng với tốc độ của một tay đua chuyên nghiệp. Hỏi thăm về chuyện vớt xác, Dũng kể rằng, mỗi người một số phận. Họ có thể là nạn nhân của những chuyến đò ngang bị lật trên sông hay những ai đó ra sông lấy nước sẩy chân. Một tỷ lệ không nhỏ của những xác chết vô thừa nhận ấy là những người quẫn bách, chán đời tìm đến cái chết.

Đã từng đọc Thủy Hử, đặt chân lên đảo giữa khiến người ta liên tưởng đến chốn giang hồ sông, nước, sơn thủy, nơi các bậc ẩn giả, hiền triết ngao du, hay mai danh ẩn tích xa lánh sự đời. Dũng Trọc với nước da màu socola, mặc áo rằn ri, tướng mạo giang hồ là “người hùng” được nhiều tờ báo nhắc đến với cái tên “Nghĩa hiệp sông Hồng”.

Ở tuổi 50, Dũng đã có thâm niên hơn 30 năm trong nghề vớt xác trên khúc sông này. Tôi hỏi Dũng: Anh có nhớ hết những xác chết trôi sông mà anh đã vớt được không? Dũng lắc đầu, rằng nhiều lắm bác à, nhớ không hết, chắc phải dăm trăm. Có xác có người nhận, có xác vô thừa nhận đành phải tự tay khâm liệm, chôn cất!

Rồi Dũng kể về cái “nghiệp vớt xác” đến với như một định mệnh. Rằng đôi lúc tính đi đâu chơi xa, bỗng cảm thấy day dứt trong lòng, quay về thể nào cũng có chuyện. Có xác còn nguyên vẹn, có xác đã thối rữa, bốc mùi rất nặng đang thời kỳ phân hủy.

Những xác có chủ, người thân đến nhận, gửi tiền hậu tạ nhưng Dũng kiên quyết không nhận. Những xác vô thừa nhận Dũng tự tay khâm liệm mai táng, nay cũng được một nghĩa trang nho nhỏ. Cũng là góp phần bảo vệ môi trường xanh sạch.

Để tiện hương khói cho những người xấu số, anh lập miếu thờ và thắp hương đều đặn mỗi tháng hai lần vào ngày rằm và mồng 1. Hà Nội không quá lớn nhưng ngay trong lòng nó vẫn còn nhiều bí ẩn mà không phải ai cũng có dịp khám phá được!./.

Phan Thế Hải