Bệnh viện Trung ương Huế chuyển giao kỹ thuật lấy huyết khối ở bệnh nhân nhồi máu não cấp cho Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh

Mới đây, Bệnh viện Trung ương Huế đã cử chuyên gia hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật “chụp và can thiệp lấy huyết khối ở bệnh nhân nhồi máu não cấp” cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.

ekip-bvtw-hue-chuyen-giao-cong-nghe-cho-bv-ht-1671878785.jpg

Chuyên gia Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.

Đội ngũ chuyên gia, bác sỹ đến từ Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế đã trực tiếp hướng dẫn các bác sỹ Khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh chụp mạch máu não bằng hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) cho 5 bệnh nhân bị đột quỵ não đã được điều trị tạm ổn định. Chỉ định chụp mạch não để xác định các tổn thương hoặc dị dạng mạch máu não, từ đó có phương án điều trị triệt để cho người bệnh, tránh các tổn thương và di chứng.

tien-hanh-chup-mach-mau-nao-cho-benh-nhan-1671879010.jpg

Chụp mạch máu não bằng hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) cho bệnh nhân bị đột quỵ não đã được điều trị tạm ổn định.

Qua kết quả chụp, 3 bệnh nhân không có bất thường mạch máu não, tiếp tục được chỉ định điều trị nội khoa; 2 bệnh nhân có dấu hiệu bất thường về mạch máu não, đang được tiếp tục theo dõi.

Để chuẩn bị tốt việc tiếp nhận kỹ thuật chụp và can thiệp hút huyết khối ở bệnh nhân nhồi máu não cấp. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cử 1 ekíp tham gia lớp đào tạo về can thiệp mạch não, đồng thời chuẩn bị đầy đủ cơ sở, vật chất đáp ứng yêu cầu của việc triển khai kỹ thuật này.

Theo kế hoạch, các chuyên gia của Bệnh viện Trung ương Huế sẽ tiếp tục chuyển giao kỹ thuật cho các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh theo từng đợt cho đến khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh làm chủ được kỹ thuật cao này, dự kiến từ 6 tháng đến một năm.

Thống kê cho thấy, Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ mỗi năm, đặc biệt tỷ lệ đột quỵ xảy ra ở người trẻ đang có chiều hướng ngày càng gia tăng.

Tại Hà Tĩnh, mỗi năm Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận khoảng 1.000 - 1.500 bệnh nhân bị đột quỵ, trong đó có khoảng một nửa số bệnh nhân phải can thiệp chụp mạch máu não.

Việc tiếp nhận kỹ thuật “chụp và can thiệp hút huyết khối ở bệnh nhân nhồi máu não cấp” sẽ giúp sớm phát hiện và can thiệp sớm đột quỵ não, hạn chế tỷ lệ tử vong và di chứng, người bệnh đột quỵ được điều trị cấp cứu kịp thời tại địa phương mà không phải mất thời gian chuyển lên tuyến trên.

Hàng năm, Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Trung ương Huế điều trị cho thành công cho 2.500-3.000 bệnh nhân đột quỵ và bệnh lý mạch máu não. Trung tâm đã nhận được Giải thưởng Bạch kim của Hội Đột quỵ thế giới (WSO) trong tổ chức cấp cứu và điều trị đột quỵ vào năm 2020.

Hiện nay, Trung tâm đang triển khai tất cả các phương pháp điều trị tiên tiến trong can thiệp thần kinh, đột quỵ như can thiệp lấy huyết khối, tái thông mạch máu não với tỉ lệ thành công trên 95%, đặt stent chuyển dòng, điều trị hẹp động mạch trong và ngoài sọ, phối hợp đường động mạch-tĩnh mạch trong điều trị dị dạng dò động-tĩnh mạch não, can thiệp điều trị hầu hết các loại phình mạch, các dị dạng mạch máu não ở trẻ em và sơ sinh…

GS.TS.BS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, với vai trò là Trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung và cả nước, ngoài đẩy mạnh triển khai nhiều kỹ thuật cao cấp và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhằm đem đến sự hài lòng cao nhất cho người bệnh; trong thời gian qua Bệnh viện Trung ương Huế đã tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật theo chương trình chỉ đạo tuyến (Đề án 1816, Đề án Bệnh viện vệ tinh, Đề án 2628) cho các bệnh viện tuyến dưới. Bệnh viện đã tổ chức thành công nhiều khóa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chụp mạch máu não DSA và can thiệp mạch máu não cho các bệnh viện tuyến dưới trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước.

Thanh Hải