Ngày 20/12/2013, phiên họp lần thứ 68 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua tuyên bố chọn ngày 3/3 hằng năm là Ngày Động vật hoang dã thế giới, nhằm mục đích nâng cao nhận thức công chúng về thế giới động vật, thực vật hoang dã.

Ngày Động, Thực vật hoang dã thế giới (World Wildlife Day) do Liên Hợp Quốc phát động, nhằm tôn vinh và ghi nhận tầm quan trọng của tất cả các loài động, thực vật hoang dã trên thế giới đối với cuộc sống và sức khỏe của hành tinh. Ngày 3/3 được chọn vì đây là ngày ra đời của Công ước về thương mại quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES) ký kết năm 1973. Việt Nam là một trong các quốc gia tham gia ký cam kết từ năm 1994.
Thông tin tại một hội thảo về đề tài truyền thông bảo vệ động vật hoang dã, ông Bùi Đăng Phong, Phó Giám đốc Văn phòng dự án bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp thuộc WWF Việt Nam thông tin, theo nghiên cứu, tác động của con người đã đẩy tốc độ tuyệt chủng của các loài hoang dã trên thế giới hiện nay nhanh gấp khoảng 4.000 lần so với thời kỳ đại tuyệt chủng của các loài khủng long.
"Vì vậy, nếu không có các hành động khẩn cấp thì trong vòng khoảng 3 thập kỷ tới thế giới sẽ phải chứng kiến cuộc đại tuyệt chủng các loài hoang dã lần thứ 6", ông Bùi Đăng Phong nhấn mạnh.
Hiện nay, buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái pháp luật ước tính trị giá xấp xỉ 20 tỷ USD. Trong đó, các đối tượng tội phạm khai tác toàn bộ chuỗi cung ứng, từ săn trộm tới vận chuyển và buôn bán ĐVHD - liên quan đến tội phạm về rửa tiền, tham nhũng và giả mạo giấy tờ.
Ông Phong cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức và thay đổi hành vi, thói quen tiêu dùng, nhưng cần đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, sửa đổi bổ sung tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường công tác nắm bắt dư luận xã hội, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái; tăng cường đấu tranh với loại hình tội phạm ĐVHD.

Để hưởng ứng Ngày Động, thực vật hoang dã thế giới 3/3, hằng năm tại Việt Nam đã tổ chức nhiều sự kiện gắn với các chủ đề nhằm tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc chung tay bảo tồn động, thực vật hoang dã. Thông qua các hoạt động này, nhiều tỉnh, thành đã có kế hoạch tổ chức các hoạt động nhằm kêu gọi cộng đồng ngừng săn bắt, mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD) bất hợp pháp.
Ngay trong những ngày đầu năm 2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 49/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của Chương trình là phục hồi, bảo vệ và phát triển bền vững các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chương trình phấn đấu bảo tồn hiệu quả các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ: cải thiện tình trạng quần thể của ít nhất 10 loài; bảo tồn và phục hồi sinh cảnh sống của các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Gia tăng số loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được gây nuôi bảo tồn và tái thả về tự nhiên để phục hồi quần thể; đến năm 2030, đảm bảo ít nhất 03 loài được gây nuôi bảo tồn và tái thả lại tự nhiên; phấn đấu đạt 100% các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ có phương án quản lý, giám sát tại các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu vực đa dạng sinh học cao và cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.
Chính sách, pháp luật về bảo tồn loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tiếp tục được hoàn thiện; tổ chức và năng lực quản lý được tăng cường, nhằm hỗ trợ hiệu quả công tác kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu các nguy cơ, mối đe dọa và tác động tiêu cực đến quần thể và sinh cảnh sống của chúng.

Theo đó, nhiệm vụ của Chương trình gồm: Điều tra, đánh giá tình trạng và xây dựng cơ sở dữ liệu các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; mở rộng và nâng cao hiệu quả biện pháp bảo tồn tại chỗ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; thực hiện bảo tồn chuyển chỗ đối với loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và kiểm soát các hoạt động ảnh hưởng tiêu cực tới loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Giải pháp thực hiện Chương trình là hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo tồn loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; tăng cường năng lực về bảo tồn loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo tồn loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; tăng cường nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ về bảo tồn loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; huy động nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội về bảo tồn loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; tăng cường hợp tác quốc tế về bảo tồn loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ./.