Thực hiện Luật Quản lý thuế và Chương trình chuyển đổi số quốc gia Việt Nam đến năm 2030, Bộ Tài chính đã triển khai thành công HĐĐT giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh và Bình Định. Các địa phương này chiếm khoảng 60% lượng doanh nghiệp và khoảng 70% hóa đơn điện tử của cả nước.
Bộ Tài chính đặt mục tiêu đảm bảo bao phủ hoá đơn điện tử toàn quốc đến ngày 1/7/2022 theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Tại Hà Nội, đến thời điểm 15/12/2021, Cục Thuế TP. Hà Nội đạt tỷ lệ 100,9% doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn đăng ký sử dụng HĐĐT thành công, sớm 15 ngày so với chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao.
Bắt đầu từ tháng 1/2022, Cục Thuế TP. Hà Nội triển khai HĐĐT đối với hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai. Đến hết ngày 15/4/2022, đã có 99,9% hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng HĐĐT thành công.
Tính chung cả nước, với các giải pháp đồng bộ và được triển khai thực hiện thống nhất, nên đến ngày 31/3/2022, toàn bộ tổ chức, DN tại 6 tỉnh, thành phố triển khai giai đoạn 1 đã thực hiện chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT. Đối với tập đoàn, tổng công ty có nhu cầu kết nối gửi dữ liệu HĐĐT trực tiếp đến cơ quan thuế, Tổng cục Thuế đã và đang tổ chức triển khai kết nối với: Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Tổng công ty GAS Petrolimex, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội.
Đến nay, các cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý trên 58 triệu hóa đơn, trong đó có 44 triệu hóa đơn có mã đã gửi cơ quan thuế. Hóa đơn không mã gửi đầy đủ dữ liệu đến cơ quan thuế là trên 5,5 triệu hóa đơn. Hóa đơn không mã gửi theo bảng tổng hợp đến cơ quan thuế là 8,6 triệu hóa đơn.
Theo lộ trình của Tổng cục Thuế, đến hết ngày 10/5/2022 hoàn thành tối thiểu 50%, đến hết ngày 31/5/2022 phải hoàn thành 90%, và đến hết ngày 30/6/2022 phải hoàn thành 100% số lượng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Để tiếp tục thực hiện lộ trình triển khai HĐĐT giai đoạn 2, Tổng cục Thuế bắt đầu triển khai kế hoạch áp dụng HĐĐT tại 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, Tổng cục Thuế đã bổ sung thêm thành viên Tổ thường trực là đại diện lãnh đạo, phụ trách phòng của 8 Cục Thuế (Sơn La, Nam Định, Nghệ An, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai, Cần Thơ) nhằm huy động nguồn lực triển khai có kinh nghiệm quản lý thuế thực tế của một số cục thuế đại diện cho các vùng miền trên cả nước.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố với tinh thần khẩn trương, quyết liệt xây dựng kế hoạch, phương án triển khai; thành lập Ban Chỉ đạo triển khai áp dụng HĐĐT tại địa phương; tổ chức đào tạo, truyền thông, tuyên truyền kịp thời lợi ích của việc thực hiện HĐĐT, cũng như những nội dung mới để người dân, DN hiểu và tích cực tham gia thực hiện áp dụng HĐĐT theo quy định tại Luật Quản lý thuế. Đồng thời, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng để triển khai HĐĐT tại 63 tỉnh, thành phố. Ngay sau thời điểm công bố, Tổng cục Thuế cũng tổ chức công tác quản trị, vận hành hệ thống HĐĐT 24/7, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, thông suốt không để ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN.
Phát biểu tại sự kiện, về phương hướng thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần thực hiện một số việc sau:
Một là, tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ Tài chính, ngành Thuế với các bộ, ngành, địa phương, xử lý ngay, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế, cơ chế, chính sách, thẩm quyền, trách nhiệm trong quá trình triển khai.
Hai là, việc triển khai HĐĐT phải đảm bảo dữ liệu chính xác, công khai, minh bạch, thống nhất, bảo đảm an ninh an toàn thông tin, dữ liệu phải thống nhất theo tiêu chuẩn hoạt động thông suốt hiệu quả. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, phân tích dữ liệu để phát hiện kịp thời hành vi gian lận gây thất thu thuế; đẩy mạnh quản lý thuế theo nguyên tắc giảm thiểu rủi ro, đảm bảo thu đúng đủ, kịp thời tiền thuế và thúc đẩy quản lý thuế đối với thương mại điện tử giao dịch xuyên biên giới.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu HĐĐT trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, tích hợp, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia, bộ ngành, địa phương; đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để từng bước xây dựng hệ sinh thái công dân số; phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội; phòng, chống dịch bệnh. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, cập nhật các công nghệ mới trong HĐĐT.
Bốn là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền lợi ích của việc sử dụng HĐĐT để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của việc sử dụng HĐĐT; mở rộng các kênh tương tác hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh thực hiện HĐĐT.
Năm là, quan tâm công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và đạo đức công vụ để cán bộ, công chức phát huy cao nhất năng lực trí tuệ, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp; chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, đặc biệt nguồn lực công nghệ thông tin để triển khai đồng bộ và toàn diện HĐĐT trên cả 63 tỉnh, thành phố với số lượng doanh nghiệp lớn, trải rộng nhiều địa bàn.
Sáu là, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương để sử dụng các nền tảng dùng chung tiết kiệm kinh phí đầu tư và nhanh chóng hiện đại hóa.