Theo số liệu của Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, nhu cầu năng lượng tại Việt Nam đã tăng khoảng 10% trong giai đoạn 2001-2010, khoảng 7% trong giai đoạn 2011-2019, trong khi nhu cầu về điện tăng 13%/năm trong giai đoạn 2001-2010 và hơn 9,7% trong giai đoạn 2011-2021.
Bên cạnh đó, phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2010, khoảng 67,7% năm 2020, và sẽ chiếm khoảng 73,1% và 79,7% vào các năm 2030 và 2050 theo kịch bản thông thường. Trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp.
Trong khi đó, Việt Nam đã cam kết cắt giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021 - 2030 so với kịch bản thông thường (BaU) bằng nguồn lực trong nước và có thể tăng lên đến 27% khi nhận được sự hỗ trợ của quốc tế.
Do đó, người dân cần hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong mọi hoạt động xã hội. Giảm cường độ sử dụng năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế. Tiết kiệm năng lượng cần trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, trong hành trình hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của đất nước, báo chí đóng vai trò là đơn vị chủ lực trong công tác tuyên truyền sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng.
Để nâng cao hiệu quả, công tác truyền thông, thông tin về chủ đề này cần thường xuyên, liên tục, các cơ quan báo chí cần duy các chuyên mục, chuyên đề, đa dạng hóa nội dung và đổi mới hình thức thể hiện thông tin để công chúng dễ tiếp cận, từ đó thay đổi nhận thức và hành vi trong các tầng lớp nhân dân và trong toàn xã hội, tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển năng lượng bền vững.
Đồng thời cần có tầm nhìn tổng thể và dài hạn, gắn chặt với chiến lược về quản lý, sử dụng và phát triển năng lượng, tập trung vào các mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng ưu tiên trong từng thời kỳ và từng thời điểm.
Báo chí chỉ có thể góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu ưu tiên trong quản lý, sử dụng và phát triển năng lượng khi nắm rõ đó là gì, bởi vậy, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin thường xuyên từ các cơ quan chuyên ngành lĩnh vực năng lượng.