Ba xu hướng hàng đầu trong bối cảnh khởi nghiệp ở châu Á năm 2022

Đối với các doanh nhân ở châu Á, tương lai dường như tươi sáng hơn bao giờ hết.

So với những nơi khác trên thế giới, châu Á đã "đi trước với các hình thức kết nối khác" để trở thành nơi "ưu tiên di động", Jesus Martin, trưởng chiến lược của Microsoft châu Á, cho biết. "Châu Á ưu tiên thiết bị di động và việc này đã trở thành nền tảng tạo cơ sở cho những đổi mới và mô hình kinh doanh mới". Thiết bị di động trước tiên đề cập đến chiến lược thiết kế sản phẩm và trải nghiệm trên điện thoại thông minh và máy tính bảng. Đây cũng là lý do tại sao bối cảnh khởi nghiệp của châu Á đang bùng nổ. Martin nói rằng Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc đang chứng kiến những con kỳ lân được tạo ra "mỗi tuần", chính là các công ty khởi nghiệp với giá trị ít nhất 1 tỷ đô la.

ezgifcom-gif-maker-1-1649232289.jpg
Người tiêu dùng ở châu Á sử dụng các ứng dụng trò chuyện, chia sẻ trải nghiệm mua sắm trên mạng xã hội và muốn sử dụng thanh toán di động nhiều hơn các khu vực khác trên thế giới (Ảnh: Getty Images)

Dưới đây là 03 xu hướng hàng đầu trong bối cảnh khởi nghiệp ở châu Á vào năm nay:

1. Siêu ứng dụng

Theo Microsoft, siêu ứng dụng đang "thực sự phát triển mạnh" và là "cường quốc mới nhất cho sự đổi mới" ở châu Á. Siêu ứng dụng cho phép người dùng truy cập nhiều dịch vụ từ một ứng dụng duy nhất. Martin cho biết, không chỉ gọi taxi hoặc giao đồ ăn, người ta thậm chí có thể đặt lịch hẹn khám bệnh, vay tiền hoặc thanh toán bằng ví điện thoại di động.

Ông nêu bật ví dụ về Grab - một siêu ứng dụng cung cấp dịch vụ giao đồ ăn, vận chuyển và dịch vụ tài chính. Ông nói: "Họ đang thay đổi cách chúng ta sống, khiến việc đi xe đến bất cứ đâu hoặc đặt đồ ăn trở nên đơn giản hơn và đang đi tiên phong trong việc tiếp cận toàn bộ phong cách sống của khách hàng trên mạng".

Các siêu ứng dụng phổ biến khác trong khu vực bao gồm WeChat của Trung Quốc, Paytm của Ấn Độ, GoTo của Indonesia, Zalo của Việt Nam và Kakao của Hàn Quốc. Martin cho biết: "Đó là lý do tại sao chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi thực sự xảy ra, với nhiều người ở châu Á được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ, việc làm, tương tác thông qua mạng xã hội, v...v..."

2. Game

Khi nói đến trò chơi, châu Á đang dẫn đầu. Theo công ty nghiên cứu Niko Partners, giới game thủ châu Á sẽ tạo ra doanh tu vào khoảng 41 tỷ đô vào năm 2025, trong đó Indonesia, Thái Lan và Việt Nam là những thị trường phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á.

Trên toàn cầu, hầu hết doanh thu được tạo ra ở Trung Quốc - quê hương của những gã khổng lồ về game như NetEase và Tencent. Microsoft châu Á cho biết trò chơi điện toán đám mây là lĩnh vực tăng trưởng đặc biệt lớn trong khu vực,  đặc biệt là ở các thị trường như Hàn Quốc, Trung Quốc vầ Nhật Bản. Sự hấp dẫn nằm ở khả năng người dùng "chơi trên mọi thiết bị ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào".

"Ngành công nghiệp trò chơi của châu Á vẫn là đầu tàu toàn cầu. Với số lượng người chơi video đạt gần 3 tỷ người trên toàn cầu, châu Á - Thái Bình Dương chiếm hơn một nửa trong số đó," theo Martin. Ông cho rằng điều này là do sự gia tăng sử dụng điện thoại thông minh của người dùng trong khu vực.

Ngoài ra, theo công ty phân tích Newzoo, 5 trong số 10 quốc gia có số lượng người dùng điện thoại thông minh cao nhất nằm ở châu Á, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ dẫn đầu.

3. Thương mại điện tử

Vì ngày càng có nhiều người ở nhà trong thời kỳ đại dịch, doanh số thương mại điện tử đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ trên khắp thế giới. Theo Microsoft châu Á, xu hướng đó sẽ tiếp tục tăng trưởng ở Đông Nam Á trong năm nay. Ước tính có thêm 70 triệu người - từ Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam - đã mua sắm trực tuyến kể từ khi đại dịch bắt đầu, theo báo cáo năm 2021 từ Facebook và Bain&Company.

ezgifcom-gif-maker-2-1649232368.jpg
Thương mại điện tử ở châu Á đang dẫn đầu về tiếp thị xã hội và trải nghiệm khách hàng (Ảnh: Getty Images)

Martin cho biết: "Thương mại điện tử trong khu vực đang dẫn đầu về tiếp thị xã hội và trải nghiệm khách hàng", ví dụ như Shopee của Singapore và Reliance Jio của Ấn Độ. "Họ đã xây dựng hệ sinh thái bán lẻ với khách hàng là trung tâm, cung cấp lựa chọn tốt nhất, nhiều mức giá, thanh toán kỹ thuật số và hậu cần đảm bảo giao hàng nhanh chóng."

Tại Trung Quốc, thương mại điện tử cũng đã tạo ra "toàn bộ hệ sinh thái thanh toán và fintech" liền mạch và cho phép người tiêu dùng làm được nhiều việc hơn chỉ bằng một nút bấm, Martin nói thêm. Trong khi các công ty khởi nghiệp ở châu Á đã đạt được thành công lớn ở quê nhà, tầm ảnh hưởng của họ có thể lan tỏa ra cả thế giới. "Các công ty khởi nghiệp đang thay đổi cách chúng ta sống ở châu Á. Nhưng vì những ý tưởng tốt luôn được lan truyền nhanh chóng, tác động của chúng sẽ được cảm nhận trên toàn cầu"./.

Thế Mạc (t/h)